Dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có
Trên 30% dân số giao dịch ngân hàng trên ứng dụng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng trong 2 thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến công nghệ bùng nổ và phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Trong đó, tài chính - ngân hàng ở nước ta là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Hiện ở Việt Nam, có trên 30% dân số sử dụng ứng dụng để giao dịch ngân hàng, chỉ đứng sau Trung Quốc (trên 41%).
Kết quả này đến từ một số trụ cột quan trọng. Ông Vũ Viết Ngoạn phân tích, hạ tầng công nghệ - viễn thông, hạ tầng số của nước ta thời gian qua được đầu tư và hết sức coi trọng. Đây là sự cố gắng hết sức lớn, chứng tỏ sự nhạy bén của Chính phủ đối với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp luật, chính sách được quan tâm, cải thiện và đổi mới liên tục trong những năm qua. Tuy nước ta có khởi đầu chậm hơn về nền tảng dữ liệu nhưng gần đây đã tạo tiền đề hết sức lớn.
Dưới góc độ địa phương, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, cho rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và fintech-dữ liệu cá nhân rất phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay và đặc biệt là với định hướng phát triển của Thành phố. TP. Hồ Chí Minh đã ban hành rất nhiều đề án, chương trình quan trọng. Hiện Thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng chiến lược phát triển dữ liệu số TP. Hồ Chí Minh, chiến lược quản trị dữ liệu số TP. Hồ Chí Minh, trong đó tập trung 3 nhóm dữ liệu lớn là dữ liệu đất đai, đô thị, dữ liệu thông tin người dân, dữ liệu phát triển tài chính doanh nghiệp; nghiên cứu hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trong đó có ý tưởng đề xuất là hình thành một phố fintech, giống như Phố Wall của New York.
Báo cáo Kết quả khảo sát dịch vụ tài chính - ngân hàng Việt Nam 2023, ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam cho biết, với 7000 phiếu khảo sát thành công với người sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng ở nhiều độ tuổi và ngành, nghề khác nhau. Kết quả cho thấy, độ tuổi càng trẻ thì số lượng giao dịch không dùng tiền mặt càng tăng và kỳ vọng về tương lai không dùng tiền mặt cũng cao hơn. Sinh viên là nhóm người dùng thanh toán không tiền mặt nhiều nhất (62%), tiếp đến là thương lái 59%... và thấp nhất là các tiểu thương kinh doanh nhỏ là 14%... Khách hàng chuyển sang giao dịch không dùng tiền mặt cực kỳ nhiều bao gồm mỗi ngày (43%), 4 lần/tuần (39%) và 4 lần/tháng (11% )...
Toàn cảnh Hội thảo. |
Để có được kết quả này, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp Trong quá trình cung cấp dịch vụ, ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm Quản Lý và Phát triển kinh doanh - Khối Cá nhân, ngân hàng luôn tập trung cho chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, ngân hàng xây dựng nền tảng tổ chức số tương lai như phát triển nền tảng công nghệ kinh doanh ngân hàng số; tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ; xây dựng danh mục sản phẩm dịch vụ số; thiết kế lại chi nhánh theo hướng bổ sung thiết bị công nghệ; số hoá hoạt động tại quầy; xây dựng ngân hàng số bằng mô hình tổ chức Fintech lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển kênh bán hàng số và truyền thông và tiếp thị số. Ưu tiên dịch vụ ngân hàng số trên thiết bị di động với 56 tính năng, tỷ lệ giao dịch trực tuyến đạt 96%.
Bên cạnh đó, xu hướng tài chính - ngân hàng năm 2023 cũng gắn nhiều hơn các tiêu chí "xanh" cho nền kinh tế. Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, ngân hàng phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính hướng đến khách hàng chú trọng các lĩnh vực, các hoạt động kinh doanh và đầu tư có tác động tích cực đến môi trường và xã hội; gắn với những động lực cho tăng trưởng xanh. Nhờ đó, ngân hàng cũng nhận được sự hậu thuẫn về nguồn vốn cũng như tư vấn chuyên sâu về phát triển tài chính xanh và phát triển bền vững từ các định chế tài chính uy tín quốc tế.Trong năm 2022, ngân hàng đã giải ngân hơn 11 nghìn tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các sản phẩm tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Tương lai công nghệ của tài chính - ngân hàng
Thời gian tới, ông Vũ Viết Ngoạn dự báo, làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số. Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn, có nghĩa là sự liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế sẽ nhiều hơn, tạo ra nhiều loại hình mới, dịch vụ mới cho người tiêu dùng. Fintech tiếp tục có nhiều không gian phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số trong dịch vụ tài chính - ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ khi hội tụ nhiều yếu tố mới. Ông Phan Thanh Đức, Trưởng khoa, Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng cho biết, các quy trình nghiệp vụ rời rạc trước đây hiện đang được kết nối trong toàn doanh nghiệp; các công nghệ như Cloud, IoT, AI, VR/AR được hội tụ để tạo ra giải pháp mới; công nghệ cho phép dữ liệu/thông tin có thể truy cập dễ dàng hơn và được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế; các lĩnh vực trước đây hoạt động độc lập ngày càng được kết nối, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới...
Ngoài ra, tương lai của dịch vụ tài chính - ngân hàng trong thời gian tới được các chuyên gia nhắc đến việc ứng dụng trí tuệ thân tạo (AI). Ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng giám đốc, phụ trách dịch vụ Chuyển đổi số và Chiến lược công nghệ thông tin, Deloitte Việt Nam cho biết, công nghệ AI mang lại lợi ích cho khối doanh nghiệp tài chính là giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian triển khai, đơn giản hóa quá trình ra quyết định và phân tích, thúc đẩy sáng tạo và củng cố niềm tin với khách hàng.
Để bắt nhịp xu hướng cần đảm bảo tất cả các bên liên quan đến ứng dụng AI hiểu cách ứng dụng hoạt động và cách diễn giải kết quả; xác định trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đối với các rủi ro liên quan đến các ứng dụng AI trong khuôn khổ quản lý rủi ro; thiết lập một bộ tiêu chí để phân biệt giữa các thông tin cần được tiết lộ cho khách hàng và thông tin được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ; thiết lập một cơ chế để xem xét lại các quyết định được đưa ra bởi các ứng dụng AI khi quyết định đó bị khách hàng phản đối... ông Đỗ Danh Thanh khẳng định.