Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 1-5/7 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/7 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 10/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.247 VND/USD, tăng 05 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua - bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.417 VND/USD, tăng nhẹ 01 đồng so với phiên 09/07.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 50 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.750 VND/USD và 25.810 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 10/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,02 - 0,08 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,91%; 1 tuần 4,99%; 2 tuần 5,03% và 1 tháng 5,04%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 5,30%; 1 tuần 5,35%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,43%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở kỳ hạn 5 năm và 7 năm, giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,90%; 5 năm 1,98%; 7 năm 2,29%; 10 năm 2,79%; 15 năm 2,96%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 14.999,9 tỷ đồng trúng thầu, có 1.737 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 5.050 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 5.230 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 13.442,9 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 107.950 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 52.177,39 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu, ngày 10/07, Kho bạc nhà nước gọi thầu thành công 6.105 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 51%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 5.405 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 700 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 30 năm gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn này. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 2,74% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 15 năm là 2,95% (+0,09 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán, các chỉ số trên thị trường chứng khoán hôm qua diễn biến giằng co. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,77 điểm (-0,6%), về mức 1.285,94 điểm; HNX-Index giảm 1,12 điểm (-0,46%) xuống 244,54 điểm; UPCoM-Index mất 0,55 điểm (-0,55%) còn 98,70 điểm. Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 24.200 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 24 liên tiếp gần 1.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tháng 6/2024 xuất siêu 3,2 tỷ USD, 6 tháng đầu năm xuất siêu 11,84 tỷ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng Sáu đạt 33,66 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng Năm; nhập khẩu đạt 30,46 tỷ, giảm 6,9%. Lũy kế từ đầu năm đến hết 30/06, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2023; nhập khẩu đạt 178,89 tỷ USD, tăng 17,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 369,62 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin quốc tế
Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tại nước này chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ trong tháng Sáu, thấp hơn mức 0,3% của tháng Năm trái với dự báo mở rộng lên mức 4%. Bên cạnh đó, CPI lõi của Trung Quốc tăng 0,6% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, không thay đổi so với kết quả thống kê của tháng 6.
Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI tại Trung Quốc ghi nhận mức giảm 0,8% so với cùng kỳ trong tháng Sáu, thu hẹp hơn so với mức giảm 1,4% của tháng Năm và khớp với dự báo của các chuyên gia.
Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), chỉ số giá sản xuất PPI nước này tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng Sáu đúng như dự báo của thị trường, cao hơn mức tăng 2,6% của tháng Năm. PPI tăng cao chủ yếu do đồng JPY mất giá, đẩy chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu thô tăng mạnh. Tháng Sáu, giá nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu vào Nhật tính theo JPY tăng tới 9,5% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí hàng hóa toàn cầu tăng cũng như việc chấm dứt trợ giá xăng dầu và nhiên liệu cũng đẩy giá bán buôn tăng cao.