Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/7
Thị trường vàng sáng 13/7: Tìm được động lực sau báo cáo lạm phát Mỹ |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 12/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.772 VND/USD, giảm tiếp 15 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán được niêm yết ở mức 24.910 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên ở mức 23.670 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên 11/7.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.610 VND/USD và 23.690 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 12/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm từ 0,13 - 0,23 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 0,24%; 1 tuần 0,43%; 2 tuần 0,81% và 1 tháng 2,47%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,86%; 1 tuần 4,93%; 2 tuần 5,02%, 1 tháng 5,20%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,92%; 5 năm 2,00%; 7 năm 2,33%; 10 năm 2,64%; 15 năm 2,84%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, khối lượng 3.000 tỷ đồng với lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên chào này không có khối lượng trúng thầu và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường trái phiếu ngày 12/7, Kho bạc Nhà nước huy động thành công toàn bộ 7.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ chào thầu. Đợt phát hành này bao gồm 4 loại kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 5 năm huy động được 500 tỷ đồng, 10 năm là 3.000 tỷ đồng, 15 năm là 3.750 tỷ đồng và 30 năm là 500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm là 2,0%, 10 năm là 2,45% và 15 năm là 2,70%, đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước.
Thị trường chứng khoán tiếp đà tăng 4 phiên liên tiếp dù trải qua vài nhịp rung lắc. Chốt phiên, VN-Index tăng 2,43 điểm (+0,21%) lên 1.154,20 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0,34 điểm (-0,15%) xuống 228,88 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,09 điểm (+0,10%) đạt mức 85,91 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch hơn 19.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 452 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tháng 6/2023 thặng dư 3,09 tỷ USD, lũy kế 6 tháng đầu năm thặng dư 12,84 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt 29,45 tỷ USD, tăng 5,0% so với tháng 5; nhập khẩu đạt 26,36 tỷ USD, tăng 1,3%. Kim ngạch xuất khẩu từ 1/1 đến 30/06 đạt 164,68 tỷ USD, giảm 12,0% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 151,84 tỷ USD, giảm 18,4% o với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 316,52 tỷ USD, giảm 14,8% so với cuối tháng 6/2022.
Tin quốc tế
Lạm phát Mỹ ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Theo Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của nước này chỉ tăng 0,2% so với tháng trước và 3,0% so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng lần lượt 0,1% và 4,0% trong tháng 5, đều thấp hơn dự báo ở mức tăng 0,3% và 3,1%. CPI lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tháng 6 tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,4% tháng trước đó và dự báo ở mức tăng 0,3%; và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh từ mức tăng 5,3% của tháng 5. Các chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát có thể tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới, đồng thời kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm kết thúc giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong bài phát biểu “Quan điểm của Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) và Chính sách tiền tệ”, Thống đốc RBA Lowe cho rằng có khả năng có những bước thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp theo để lạm phát quay về mức mục tiêu 2-3%, khi triển vọng kinh tế vẫn bất ổn, lạm phát còn phức tạp. RBA sẽ cập nhật dự báo kinh tế và triển vọng để xác định những bước tiếp theo trong phiên họp tháng 8 tới. Đồng thời, Thống đốc Lowe dự báo tăng trưởng kinh tế Úc sẽ chững lại trong vài năm tới.
Nhật Bản đón nhận một số thông tin không mấy tích cực trong lĩnh vực sản xuất. Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ, chỉ số giá sản xuất PPI tháng 6 của Nhật tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,2% của tháng trước đó đồng thời thấp hơn dự báo ở mức tăng 4,3%. Như vậy, PPI tháng 6 giảm 0,2% so với tháng trước. Bên cạnh đó, lượng đơn đặt hàng máy móc lõi nước này giảm mạnh 7,6% so với tháng trước trong tháng 5 sau khi tăng 5,5% tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,9%.