Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/3 Điểm lại thông tin kinh tế tuần 25-29/3 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/4, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.004 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.154 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.803 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên 29/03.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do đi ngang ở chiều mua vào trong khi tăng 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.380 VND/USD và 25.480 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,53 - 0,86 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 3,64%; 1 tuần 3,79%; 2 tuần 3,86% và 1 tháng 3,83%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 5,23%; 1 tuần 5,30%; 2 tuần 5,38%, 1 tháng 5,41%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm nhẹ ở kỳ hạn 7 năm; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,65%; 5 năm 1,84%; 7 năm 2,22%; 10 năm 2,65%; 15 năm 2,82%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 2,40%.
Như vậy, NHNN hút ròng 500 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 171.698,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, lực cầu yếu khiến cả 3 chỉ số được giao dịch cầm chừng quanh mốc tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 2,57 điểm (-0,20%) xuống 1.281,52 điểm; HNX-Index nhích 0,31 điểm (+0,13%) lên 242,90 điểm; UPCoM-Index mất 0,24 điểm (-0,26%) còn 91,33 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 25.800 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 750 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo của S&P Global, Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm về dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 3, với kết quả 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2. Kết quả này báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ cải thiện điều kiện kinh doanh hai tháng đầu năm 2024, nhưng cũng cho thấy các điều kiện hoạt động về tổng thể gần như là không thay đổi.
Tăng trưởng của ngành sản xuất Việt Nam đã chậm lại trong tháng 3 khi nhu cầu giảm, kìm hãm đà tăng của số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng. Tình trạng cầu yếu cũng được phản ánh trong các chỉ số giá cả khi tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và giá bán hàng giảm. Một điểm tích cực là các công ty đang ngày càng lạc quan rằng ngành sản xuất sẽ tăng trưởng trở lại trong những tháng tới, giúp việc làm tăng vào tháng 3 này.
Tin quốc tế
Theo khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại quốc gia này đạt mức 50,3% trong tháng Ba, tăng lên từ mức 47,8% của tháng trước đó và đồng thời vượt qua mức 48,5% theo dự báo. Đây là lần đàu tiên chỉ báo này vượt qua mức trung tính 50% sau 16 tháng, kể từ tháng 11/2022.
Ông Timothy Fiore, Chủ tịch của ISM, cho biết nhu cầu vẫn đang ở giai đoạn đầu trong quá trình phục hồi. Trong tháng vừa qua có 9 ngành báo cáo tăng trưởng trong hoạt động, và chỉ còn 6 ngành ghi nhận suy giảm. Mặc dù triển vọng ngành sản xuất có cải thiện rõ rệt, song giới tài chính bày tỏ quan ngại khi kết quả trên có thể khiến áp lực lạm phát cao dai dẳng hơn và đẩy lùi thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất chính sách.
Theo dự báo của CME, khả năng Fed cắt giảm lãi suất chính sách trong tháng 6 đã rút đi đáng kể, chỉ còn 56,9%, thấp hơn khá nhiều so với mức 66% thời điểm trước khi thông tin PMI được công bố.
Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục mở rộng tháng thứ 5 liên tiếp. Theo kết quả khảo sát của S&P Global, chỉ số PMI Caixin lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đạt mức 51,1 điểm trong tháng Ba, cao hơn mức 50,9 điểm của tháng Hai, đồng thời cũng tích cực hơn so với dự báo của thị trường ở mức 51,0 điểm. Có được kết quả này là nhờ ngành sản xuất đã có nhiều đơn đặt hàng mới, kể cả từ nước ngoài.
Từ đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng sản lượng và tốc độ mua nguyên vật liệu. Đồng thời, chi phí đầu vào cũng giảm lần đầu tiên sau 8 tháng, cho phép các nhà sản xuất nước này tiếp tục giảm giá bán để tăng doanh thu.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những cơn gió ngược với những bất ổn và các yếu tố bất lợi. Áp lực kinh tế suy thoái vẫn tồn tại, việc làm ít, giá cả vẫn ở mức thấp và nhu cầu chưa được giải quyết một cách cơ bản, cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy hơn nữa nhu cầu trong nước và bên ngoài.