Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/6
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/6, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.256 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán và tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết lần lượt ở mức 23.650 VND/USD và 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.267 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên 29/5. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.240 - 23.280 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,06 - 0,11 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 0,46%; 1 tuần 0,66%; 2 tuần 0,86% và 1 tháng 1,44%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng, giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 0,21%; 1 tuần 0,30%; 2 tuần 0,40%, 1 tháng 0,66%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,64%; 5 năm 2,09%; 7 năm 2,69%; 10 năm 3,06%; 15 năm 3,23%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 1/6, Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 2 tỷ đồng đáo hạn phiên hôm qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố về mức 0.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 4.999 tỷ đồng đáo hạn, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức gần 22.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 4.997 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, dòng tiền đổ vào thị trường giúp các chỉ số tăng điểm, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào đà tăng này. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 14,2 điểm (+1,64%) lên 878,67 điểm; HNX-Index đứng ở mức 114,14 điểm, tăng 4,33 điểm (+3,94%); UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (+1,02%) lên 55,59 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 8.500 tỷ đồng, trong đó riêng giao dịch khớp lệnh là hơn 6.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 66 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng 10 điểm trong tháng 5, đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỉ lục là 32,7 điểm của tháng 4.
Mặc dù cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm nhẹ hơn nhiều so với tháng trước, dữ liệu mới nhất cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm nhanh. Tuy nhiên, mức độ giảm là nhẹ hơn nhiều so với tháng 4 khi một số công ty đã khôi phục lại hoạt động.
Dữ liệu PMI của tháng 5 cho thấy con đường sẽ còn dài, khi lĩnh vực sản xuất vẫn suy giảm vào thời điểm giữa quí II của năm.
Tin quốc tế
Hãng Bloomberg đưa tin, Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các công ty nhà nước ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ, bao gồm đậu tương - mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực nhập khẩu hằng năm của nước này.
Thị trường lo ngại động thái của Bắc Kinh có thể dẫn đến việc thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một bị phá bỏ và một lần nữa ảnh hưởng đến chuỗi nguồn cung thế giới. Hiện tại, vẫn chưa có thông điệp phản hồi từ Nhà Trắng đối với thông tin này.
Viện Quản lý nguồn cung ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ trong tháng 6 ở mức 43,1; tăng so với mức 41,5 của tháng 5. Mặc dù vẫn thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 43,5; song nhìn chung chỉ số toàn ngành sản xuất như giá trị đơn đặt hàng, chỉ số sản xuất và chỉ số nhân lực đã phục hồi nhẹ so với thời gian bị ảnh hưởng mạnh bởi virus corona.
Quốc hội Thái Lan ngày 31/5 thông qua khoản cứu trợ 1,97 nghìn tỷ THB, tương đương 60 tỷ USD. Trong gói này, khoảng 600 tỷ THB sẽ được dùng để hỗ trợ y tế và an sinh xã hội. Số còn lại được sử dụng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhằm tái thiết nền kinh tế sau khủng hoảng và tạo việc làm cho người dân.