Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/5 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/5 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/6, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.729 VND/USD, tăng mạnh 15 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.865 VND/USD, tăng 16 đồng so với hôm trước đó.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.481 VND/USD, giảm trở lại 11 đồng so với phiên 31/5.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào trong khi đi ngang ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.450 VND/USD và 23.500 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,02 - 0,08 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống ngoại trừ giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 4,06%; 1 tuần 4,20%; 2 tuần 4,30% và 1 tháng 4,60%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần, giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 4,82%; 1 tuần 4,90%; 2 tuần 5,0%, 1 tháng 5,14%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở kỳ hạn 5 năm và giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 2,49%; 5 năm 2,45%; 7 năm 2,73%; 10 năm 3,12%; 15 năm 3,28%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/ kỳ hạn đều với lãi suất giữ ở mức 4,5%; có 409,92 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày và 293,83 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; không có đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 1.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 2.203,75 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 1.648,71 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 23.500 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua mặc dù giảm giá vào phiên sáng, các chỉ số đều phục hồi trở lại sau đó và kết phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,22 điểm (+0,30%) lên mức 1.078,39 điểm; HNX-Index thêm 1,16 điểm (+0,52%) đạt 223,97 điểm; UPCoM-Index tăng 1,46 điểm (+1,78%) lên 83,51 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn giảm so với phiên trước đó với giá trị giao dịch trên 16.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 100 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
PMI tiếp tục giảm điểm, ngành sản xuất Việt Nam chưa hết khó khăn. Theo S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 45,3 điểm trong tháng Năm so với 46,7 điểm của tháng Tư. Đây là tháng suy giảm thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, mức giảm lần này của sức khỏe ngành sản xuất là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2021.
Trong đó, có 3 điểm nhấn nổi bật là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn; chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm; việc làm và hoạt động mua hàng giảm.
Việc số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng Năm là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời.
Tin quốc tế
ADP cho biết nước Mỹ tạo ra 278 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng Năm, thấp hơn một chút so với mức 291 nghìn của tháng Tư nhưng cao hơn nhiều so với dự báo ở mức 173 nghìn. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 25/5 ở mức 232 nghìn đơn, chỉ tăng nhẹ so với 230 nghìn của tuần trước đó và thấp hơn mức 236 nghìn đơn theo dự báo.
Cuối cùng, Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 46,9%% trong tháng Năm, giảm nhẹ từ 47,1% của tháng trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 47,0%.
Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat cho biết chỉ số CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone lần lượt tăng 6,1% và 5,3% so với cùng kỳ trong tháng Năm, cùng hạ nhiệt so mức 7,0% và 5,6% của tháng trước đó, đồng thời cùng thấp hơn mức 6,3% và 5,5% theo dự báo của các chuyên gia. Đây là tháng giảm tốc thứ 7 liên tiếp đối với CPI toàn phần và là tháng thứ hai liên tiếp đối với CPI lõi kể từ đỉnh.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết doanh số bán lẻ của nước này đi ngang lần thứ hai liên tiếp trong tháng Tư, khớp với dự báo. So với cung kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ tại Úc vẫn ghi nhận mức tăng 4,2% trong tháng Tư, tuy nhiên đã có sự giảm tốc so với mức tăng 5,4% của tháng Ba.