Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/4
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/4 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/4 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 16/4, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.141 VND/USD, tăng mạnh 45 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.298 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.291 VND/USD, tăng mạnh 111 đồng so với phiên 15/04.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.470 VND/USD và 25.600 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 16/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng mạnh 0,28 - 0,35 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 4,98%; 1 tuần 5,0%; 2 tuần 5,0% và 1 tháng 4,86%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 2 tuần; giao dịch tại: qua đêm 5,25%; 1 tuần 5,31%; 2 tuần 5,40%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,87%; 5 năm 2,11%; 7 năm 2,34%; 10 năm 2,82%; 15 năm 3,04%.
Nghiệp vụ thị trường mở trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 12.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Có 11.999,93 tỷ đồng trúng thầu. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 550 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,59%. Có 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn phiên hôm qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 21.449,93 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 101.400 tỷ đồng, có 33.999,82 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số tiếp tục giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,08%) xuống 1.215,68 điểm; HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,38%) còn 228,83 điểm; UPCoM-Index mất 0,35 điểm (-0,39%) về mức 88,63 điểm. Thanh khoản thị trường tuy giảm nhưng vẫn ở mức rất cao với giá trị giao dịch đạt gần 33.500 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 146 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2024 vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF công bố, IMF kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 ở mức 5,8%, không thay đổi so với báo cáo hồi tháng 10/2023. Con số này được dự báo tăng lên mức 6,5% cho năm 2025. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam được dự báo ở mức 3,7% trong năm 2024, cao hơn so với dự báo tăng 3,4% trong báo cáo trước đó. CPI 2025 được dự báo thấp hơn với mức tăng 3,4%.
Tin quốc tế
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF kỳ vọng mức tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,2% vào năm 2024, tăng khiêm tốn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 trước đó. Tăng trưởng sau đó dự kiến sẽ tăng với cùng tốc độ 3,2% vào năm 2025. IMF dự báo trong vòng 5 năm tới, tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,1%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh đó, IMF cho biết họ nhận định lạm phát toàn cầu giảm từ mức trung bình là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025.
Sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Ba, nối tiếp đà tăng 0,4% ở tháng trước đó và cũng khớp với dự báo. Tính cả quý đầu năm, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ.
Tiếp theo, ở thị trường xây dựng, số đơn xin cấp phép xây dựng nhà và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt đạt 1,46 triệu đơn và 1,32 triệu căn trong tháng Ba, cùng giảm so với mức 1,52 triệu đơn và 1,55 triệu căn của tháng Hai, đồng thời đều chưa đạt mức 1,48 triệu đơn và 1,51 triệu căn theo kỳ vọng.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết GDP của nước này tăng 5,3% so với quý cùng kỳ trong quý I/2024, cao hơn mức tăng 5,2% của quý trước đó và đồng thời vượt qua kỳ vọng tăng 4,8%. Tính riêng trong tháng Ba, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 7,0% của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 6,0% theo dự báo. Đây là tháng có tốc độ tăng sản lượng thấp nhất kể từ tháng 10/2023.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 3,1% so với cùng kỳ trong tháng Ba, cũng giảm tốc khá mạnh từ mức tăng 5,5% của tháng trước đó và thấp hơn mức tăng 5,1% theo dự báo. Cuối cùng, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc ghi nhận ở mức 5,2% trong tháng Ba, giảm nhẹ xuống từ mức 5,3% của tháng 2 và khớp với dự báo của thị trường.