Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/7
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.252 VND/USD, giảm 8 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên với mức 25.452 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên 28/6. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.900 VND/USD và 25.980 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,04 - 0,12 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 4,86%; 1 tuần 4,94%; 2 tuần 5,02% và 1 tháng 5,04%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 5,28%; 1 tuần 5,34%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,42%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp phân hóa, tăng giảm nhẹ ở các kỳ hạn khác nhau; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,90%; 5 năm 2,04%; 7 năm 2,29%; 10 năm 2,77%; 15 năm 2,96%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 4.240 tỷ đồng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 12.300 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 8.450 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 390 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 125.440 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 31.791,55 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua giảm đầu phiên và hồi phục vào phiên chiều nhờ loạt cổ phiếu blue-chips ngân hàng tăng tốt. Kết phiên, VN-Index tăng 9,24 điểm (+0,74%) lên 1.254,56 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,98 điểm (+0,41%) lên mức 238,56 điểm; UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,25%) xuống 97,30 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch chỉ gần 14.700 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 830 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả này không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2011; việc làm tăng trưởng trở lại và giá cả đầu ra tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai năm.
Tin quốc tế
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 48,5% trong tháng 6, giảm nhẹ từ mức 48,7% của tháng 5, trái với dự báo tăng lên 49,2%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lĩnh vực sản xuất tại quốc gia này ghi nhận trạng thái thu hẹp trở lại (<50%) kể từ sau khi đạt 50,3% ở tháng 3 (tháng duy nhất đạt trạng thái mở rộng trong vòng 20 tháng trở lại đây).
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis công bố chỉ số CPI toàn phần tại nước này chỉ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 6, bằng với mức tăng của tháng trước đó và thấp hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tăng 2,2%, giảm tốc so với mức tăng 2,4% ghi nhận ở tháng 5. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng chậm là do giá cả nhóm năng lượng tại quốc gia này trong tháng vừa qua ghi nhận mức giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.