Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/6 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 22/6, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.732 VND/USD, tăng tiếp 5 đồng so với phiên trước đó.
Giá bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.868 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên trước đó.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.523 VND/USD, tăng trở lại 18 đồng so với phiên 21/6.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tăng 40 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.560 VND/USD và 23.610 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 22/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,28 - 0,37 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 1,0%; 1 tuần 1,32%; 2 tuần 1,78% và 1 tháng 3,0%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 4,81%; 1 tuần 4,90%; 2 tuần 5,0%, 1 tháng 5,14%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,14%; 5 năm 2,15%; 7 năm 2,25%; 10 năm 2,53%; 15 năm 2,74%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/kỳ hạn đều với lãi suất giữ ở mức 4,0%; không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; không có đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 293,83 tỷ đồng. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường chứng khoán hôm qua diễn biến tích cực với VN-Index vượt đỉnh thành công nhờ sự tỏa sáng của nhóm cổ phiếu bất động sản. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,61%) lên mức 1.125,30 điểm; HNX-Index thêm 0,14 điểm (+0,06%) đạt 231,91 điểm; UPCoM-Index nhích 0,05 điểm (+0,06%) lên 85,50 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao với giá trị giao dịch trên 21.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 395 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Thông tin từ NHNN cho biết, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/6 ở mức 264 nghìn đơn, đi ngang so với tuần trước đó, cao hơn mức 261 nghìn đơn theo dự báo.
Tiếp theo, doanh số bán nhà cũ tại nước này ở mức 4,30 triệu căn trong tháng Năm, gần như không tăng so với 4,29 triệu căn của tháng Tư và cao hơn một chút so với 4,25 triệu căn theo dự báo. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số rơi xuống dưới 4,5 triệu căn, chỉ cao hơn mức đáy 4,0 triệu căn của tháng Một. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán nhà cũ trong tháng vừa qua tại Mỹ giảm tới 20,4% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bất ngờ tăng mạnh lãi suất chính sách tại cuộc họp tháng Sáu.
Cụ thể, trong phiên họp diễn ra ngày hôm qua 22/6, Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOE (MPC) nhận định áp lực lạm phát đang tiếp tục căng thẳng do các tác động vòng hai, có thể mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, từ mức 4,5% lên 5,0%. Đây là mức lãi suất chính sách cao nhất của BOE kể từ 2008.
MPC khẳng định hướng tới mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2,0% đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.
Sau cuộc họp, Thống đốc BOE Andrew Bailey phát biểu: “Nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn so với dự kiến và lạm phát vẫn còn quá cao. BOE cần đối mặt với vấn đề này, nếu không tăng lãi suất ngay lập tức thì tình hình về sau có thể trở nên tồi tệ hơn”.
Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Eurozone ở mức -16 điểm trong tháng Sáu, trái với dự báo đi ngang ở mức -17 điểm của tháng Năm, là tháng thứ 9 đi lên liên tiếp. Tuy nhiên, mức niềm tin hiện tại vẫn cho thấy sự bi quan của thị trường đối với nền kinh tế và triển vọng thu nhập của người dân tại khu vực này.