Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/11 Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-24/11 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 27/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.947 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.094 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.260 VND/USD, giảm nhẹ 08 đồng so với phiên 24/11.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng mạnh 180 đồng ở chiều mua vào và 160 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.620 VND/USD và 24.720 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 27/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND không thay đổi ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi tăng 0,02 - 0,07 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,32%; 2 tuần 0,56% và 1 tháng 0,98%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,02 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn qua đêm, giao dịch tại: qua đêm 5,06%; 1 tuần 5,16%; 2 tuần 5,27%, 1 tháng 5,37%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3 năm và 7 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên ở mức: 3 năm 1,66%; 5 năm 1,74%; 7 năm 2,14%; 10 năm 2,41%; 15 năm 2,63%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh nay. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Có 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong phiên 27/11.
Như vậy, NHNN bơm ròng 20.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 51.749,9 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm. Chốt phiên, VN-Index giảm 7,55 điểm (-0,69%) còn 1.088,06 điểm; HNX-Index mất 2,22 điểm (-0,98%) về mức 223,89 điểm; UPCoM-Index giảm 0,30 điểm (-0,58%) xuống 84,50 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trên 13.100 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 56 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo về tình hình thu hút vốn nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính lũy kế đến ngày 20/11/2023, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tin quốc tế
Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết doanh số bán nhà mới tại nước này ghi nhận mức 679 nghìn căn trong tháng 10, thấp hơn so với mức 719 nghìn căn của tháng Chín và trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 724 nghìn căn. So với cùng kỳ năm 2022, mức doanh số trên vẫn tăng khá mạnh khoảng 17,7%.
Trong bài phát biểu hôm qua trước Nghị viện châu Âu tại Brussels, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng kinh tế Eurozone đã trì trệ trong những quý gần đây và có khả năng tiếp tục yếu đi trong quý cuối năm 2023. GDP khu vực giảm 0,1% so với quý trước trong quý III, phản ánh tác động ngày càng lớn của lãi suất cao. Mặc dù triển vọng ngắn hạn còn ảm đạm, song nền kinh tế Eurozone sẽ phục hồi trở lại trong những năm tới khi lạm phát tiếp tục giảm, nhu cầu của các hộ gia đình và cả quốc tế cùng tăng lên.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã xuống còn 2,9% trong tháng 10, áp lực giá lương thực cũng giảm dù còn ở mức cao, giá năng lượng và thực phẩm quay về mức vừa phải. Bà Lagarde dự báo CPI có thể tăng nhẹ trở lại trong những tháng tới, chủ yếu do yếu tố mùa vụ và hiệu ứng số. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng tới những yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng lên lạm phát bất kỳ lúc nào.
Về chính sách tiền tệ, ECB vẫn quyết tâm đạt được lạm phát ở mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn. ECB hy vọng giữ lãi suất chính sách hiện tại trong một thời gian đủ dài sẽ góp phần đáng kể vào việc đưa lạm phát ổn định trở lại. Các quyết định trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, và đảm bảo lãi suất chính sách được đặt ở mức đủ thắt chặt trong thời gian cần thiết.