Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/7 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, phiên 29/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.252 VND/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Giá mua - bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.285 VND/USD, giảm tiếp 25 đồng so với phiên 26/7.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 70 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.620 VND/USD và 25.720 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 29/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đi ngang ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 4,93%; 1 tuần 5,0%; 2 tuần 5,0% và 1 tháng 5,02%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD cũng không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 5,30%; 1 tuần 5,34%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,43%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,91%; 5 năm 1,98%; 7 năm 2,29%; 10 năm 2,79%; 15 năm 2,96%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 4.911,48 tỷ đồng trúng thầu, có 11.638,88 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 10.850 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 5.950 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 11.628,4 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 69.2000 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 52.317,57 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số chính giao dịch quanh mốc tham chiếu và chốt phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,49 điểm (+0,36%), lên mức 1.246,60 điểm; HNX-Index thêm 0,86 điểm (+0,36%) đạt 237,52 điểm; UPCoM-Index nhích 0,28 điểm (+0,29%) lên 95,46 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất thấp với giá trị giao dịch đạt gần 12.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 220 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tin quốc tế
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết mức tín dụng cho vay cá nhân tại nước này tăng thêm 3,8 tỷ bảng Anh trong tháng 6, cao hơn mức tăng 2,8 tỷ bảng Anh của tháng trước đó đồng thời cao hơn mức tăng 2,2 tỷ bảng Anh theo dự báo. Đây là mức tăng cho vay lớn nhất mà nước này ghi nhận kể từ sau tháng 2/2023.
Đóng góp phần lớn vào mức tăng chung là lượng vay thế chấp mua nhà tại quốc gia này đã tăng thêm 2,7 tỷ bảng Anh trong tháng 6, cao hơn mức 1,3 tỷ bảng Anh ở tháng 5. Trong tháng 6, có khoảng 60 nghìn khoản vay thế chấp mới được chấp thuận, bằng với mức tăng của tháng 5. Tuy nhiên, số khoản vay tái thế chấp được chấp thuận ở tháng 6 chỉ ở mức 27,5 nghìn, thấp hơn 29,3 nghìn của tháng 5.
Lãi suất cơ bản ở mức cao của BoE được cho là trở ngại để tốc độ gia tăng tín dụng có thể cao như trước và trong đại dịch Covid-19. BoE sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 1/8 theo giờ Việt Nam. Thị trường kỳ vọng BoE sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, từ 5,25% xuống còn 5,0%.