Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/7 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/7 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, phiên 30/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.257 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên trước.
Giá mua - bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.285 VND/USD, không thay đổi so với phiên 29/7.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.630 VND/USD và 25.730 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 30/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,02 –l- 0,25 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,68%; 1 tuần 4,87%; 2 tuần 4,95% và 1 tháng 5,0%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn qua đêm, giao dịch tại: qua đêm 5,30%; 1 tuần 5,35%; 2 tuần 5,4%, 1 tháng 5,44%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm trong khi giảm ở kỳ hạn 5 năm và tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,91%; 5 năm 1,97%; 7 năm 2,30%; 10 năm 2,80%; 15 năm 2,96%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 3.663,42 tỷ đồng trúng thầu, có 13.063,08 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 22.050 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 11.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 20.249,66 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 80.050 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 42.917,91 tỷ.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số đều kết phiên dưới mốc tham chiếu. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 1,54 điểm (-0,12%), về mức 1.245,06 điểm; HNX-Index mất 1,65 điểm (-0,69%) xuống 235,87 điểm; UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,23%) còn 95,24 điểm. Thanh khoản thị trường tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt trên 15.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 250 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 40,2% và tăng 23,6%).
Tin quốc tế
Mỹ tạo ra 8,18 triệu cơ hội việc làm trong tháng 6, gần bằng mức 8,23 triệu của tháng trước đó và cao hơn mức 8,02 triệu theo dự báo. Tiếp theo, tổ chức Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức 100,3 điểm trong tháng 7 từ mức 97,8 điểm của tháng 6, vượt qua mức 99,7 điểm theo dự báo.
Khu vực Eurozone ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Tại nước Đức, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 7, cao hơn mức tăng 0,1% ở tháng trước và khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần Đức tăng 2,3%. Tiếp theo, Destatis công bố GDP nước Đức giảm khoảng 0,1% so với quý trước trong quý 2 sau khi tăng 0,2% ở quý trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,1%. Mặc dù vậy, GDP tại khu vực Eurozone trong quý vừa qua vẫn tăng trưởng khoảng 0,3% so với quý trước, bằng với mức tăng của quý đầu năm và cao hơn mức tăng 0,2% theo kỳ vọng. Nước Pháp đang nổi lên thành trụ đỡ chính cho Eurozone khi tăng trưởng 0,3% so với quý trước trong quý 2, bằng với mức tăng của quý 1.
Văn phòng Thống kê Nhật Bản cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm xuống còn 2,5% trong tháng 6, trái với dự báo đi ngang ở mức 2,6% như kết quả thống kê của tháng 5. Theo dữ liệu, số người có việc làm tại Nhật Bản tháng 6 đạt 68,22 triệu người, tăng 370 nghìn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức cao nhất từng ghi nhận.