Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/6
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 29/5-2/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/6 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 6/6, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.720 VND/USD, tăng mạnh trở lại 27 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 24.856 VND/USD, tăng 29 đồng so với phiên trước.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.488 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 5/6.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.450 VND/USD và 23.490 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 6/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,05 - 0,14 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 3,77%; 1 tuần 3,99%; 2 tuần 4,20% và 1 tháng 4,54%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,81%; 1 tuần 4,90%; 2 tuần 5,0%, 1 tháng 5,17%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 7 năm và 15 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 2,46%; 5 năm 2,36%; 7 năm 2,69%; 10 năm 3,07%; 15 năm 3,25%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/kỳ hạn đều với lãi suất giữ ở mức 4,5%; không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; có 516,82 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 3.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 2.683,18 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 816,28 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 9.900 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua tiếp tục trải qua phiên giao dịch đầy hứng khởi, đà tăng được củng cố, VN-Index thành công vượt mốc 1.100 điểm sau gần 5 tháng. Chốt phiên, VN-Index tăng 10,49 điểm (+0,96%) lên mức 1.108,31 điểm; HNX-Index thêm 2,16 điểm (+0,95%) đạt 228,72 điểm; UPCoM-Index nhích 0,32 điểm (+0,38%) lên 84,43 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch gần 18.300 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại mua ròng gần 76 tỷ đồng trên cả 3 sàn sau 5 phiên bán ròng liên tiếp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng Năm, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,24 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 5 tháng đầu năm 2023 là 9,8 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng Năm phục hồi tích cực, tăng 5% so với tháng trước, ước đạt 55,86 tỷ USD, nhưng giảm 12,3% so với cùng kì năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%.
Tin quốc tế
Doanh số bán lẻ của khu vực Eurozone đi ngang trong tháng Tư sau khi giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước trong tháng Ba, trái với kỳ vọng hồi phục nhẹ 0,2%. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ tại khu vực này giảm tương đối mạnh 2,6%. Riêng tại Liên minh EU27, doanh số bán lẻ trong tháng Tư ghi nhận mức tăng 0,1% m/m, tuy nhiên vẫn giảm 2,9% so cùng kỳ.
Ngân hàng trung ương Úc (RBA) tăng lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng 6. Hôm qua ngày 6/6, RBA nhận định lạm phát tại Úc đã qua vùng đỉnh nhưng mức 7% so với cùng kỳ vẫn là quá cao và cần thời gian để điều chỉnh. RBA ưu tiên mục tiêu hàng đầu là đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% - 3,0%, đồng thời vẫn giữ cho nền kinh tế Úc phát triển. Vì vậy, RBA đã tăng lãi suất chính sách từ mức 3,85% lên mức 4,1%, trái với dự báo giữ nguyên của thị trường.
Cơ quan này cho rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, và con đường đạt được kịch bản “hạ cánh mềm” là rất hẹp. RBA cho biết có thể cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trong khung thời gian hợp lý, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào diễn biến kinh tế và lạm phát trong thời gian tới.
Thu nhập bình quân của người lao động Nhật Bản tăng 1,0% so với cùng kỳ trong tháng Tư, thấp hơn mức tăng 1,3% của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 1,7% theo kỳ vọng.
Tiếp theo, mức chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật Bản ghi nhận mức giảm 4,4% so với cùng kỳ trong tháng Tư, sâu hơn mức giảm 1,9% của tháng Ba và cũng sâu hơn mức giảm 2,2% theo dự báo.