Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/6
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 8/6, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.240 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán và tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết lần lượt ở mức 23.650 VND/USD và 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.235 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên 5/6. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng trở lại 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.260 - 23.290 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên đầu tuần, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 - 0,05 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 0,32%; 1 tuần 0,52%; 2 tuần 0,70% và 1 tháng 1,25%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,29%; 2 tuần 0,39%, 1 tháng 0,64%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3 năm và 7 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3 năm 1,47%; 5 năm 1,97%; 7 năm 2,61%; 10 năm 3,06%; 15 năm 3,20%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 8/6, Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trong ngày có 2.000 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 2.000 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành về mức 0.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, tâm lý hưng phấn của các nhà đầu tư giúp cả 3 thị trường tràn ngập sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 899,92 điểm, tăng 13,7 điểm (+1,55%); HNX-Index tăng 2,02 điểm (+1,71%) lên 120,1 điểm; UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (+1,54%) lên 57,3 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch đạt trên 9.800 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm trên 8.750 tỷ đồng. Khối ngoại quay trở lại mua ròng gần 334 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Sáng 8/6, với tỷ lệ 100% tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam với một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho cả hai bên, gần 100% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Trong số các Hiệp định thương mại được ký kết, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác dành cho Việt Nam.
Trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng 6/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 2,8% trong năm 2020, giảm mạnh từ mức dự báo tăng 6,5% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 1. GDP Việt Nam được dự báo tăng lên mức 6,8% trong năm 2021.
Tin quốc tế
World Bank điều chỉnh dự báo kinh tế thế giới, cho rằng năm 2020 sẽ suy giảm nhất trong 8 thập kỷ, song sẽ phục hồi ngay trong 2021.
Cụ thể, WB dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 5,2% trong năm nay, trái ngược hoàn toàn so với dự báo tăng trưởng 1,6% đã đưa ra hồi tháng 1. Sang đến năm 2021, thế giới được dự báo phục hồi 4,2%; điều chỉnh tăng từ mức 2,6% của lần dự báo trước.
Trong báo cáo này, WB nhận định các nền kinh tế phát triển bị thiệt hại nhiều nhất bởi dịch Covid-19, với mức suy giảm 7,0%. Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nhẹ hơn và trung bình chỉ giảm 2,5%.
Tuy nhiên, cũng nhờ tiềm lực rất mạnh của mình mà các nền kinh tế lớn có thể bật tăng 3,9% trong năm 2021, trong khi nhóm nước đang phát triển tăng mạnh hơn một chút ở mức 4,6%.
Văn phòng Thống kê Đức cho biết sản lượng công nghiệp của nước này giảm mạnh 17,9% so với tháng trước trong tháng 4, nối tiếp đà giảm 9,2% của tháng trước đó, đồng thời sâu hơn mức giảm 16,0% theo dự báo. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này giảm tới 25,3%.
Cũng trong ngày hôm qua, hãng tin Sentix thông báo niềm tin đầu tư của khu vực Eurozone ở mức -24,8 điểm trong tháng 6, tăng lên khá nhiều từ mức -41,8 điểm của tháng 5, song vẫn chưa vượt qua dự báo của các chuyên gia ở mức -22 điểm.
Nội các Nhật Bản thông cáo GDP của nước này chính thức suy giảm 0,6% trong quý I, được điều chỉnh lại từ mức giảm 0,9% theo dữ liệu sơ bộ và gần chính xác với dự báo giảm 0,5%.