Điểm lại thông tin kinh tế tuần 18-22/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/3 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/3 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có các cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng trong tháng 3. Động thái chính sách của các ngân hàng trung ương này trái chiều do bối cảnh riêng của từng quốc gia, khu vực kinh tế, đáng chú ý nhất là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Mặc dù vậy, có thể dự báo cắt giảm lãi suất chính sách sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới năm 2024.
Fed nâng triển vọng kinh tế và lạm phát trong năm 2024, tuy nhiên vẫn không thay đổi dự báo về việc cắt giảm lãi suất chính sách. Cụ thể, trong cuộc họp hai ngày 19-20/3, Fed nâng triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2024 lên mức 2,1%, tích cực hơn nhiều so với mức 1,4% đưa ra hồi tháng 12/2023. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi PCE cuối 2024 cũng được cơ quan này nâng lên mức 2,6% từ 2,4% của dự báo kỳ trước.
Bên cạnh đó, thị trường lao động Mỹ cũng liên tục tạo ra việc làm phi nông nghiệp mới một cách ổn định trong những tháng vừa qua. Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cuối năm chỉ ở mức 4,0%, thấp hơn một chút so với mức 4,1% theo dự báo trước. Những dự báo trên cho thấy kinh tế Mỹ đang thực sự chịu được áp lực từ môi trường lãi suất cao và nhiều khả năng sẽ hạ cánh mềm khi lạm phát hướng tới mục tiêu và Fed cắt giảm lãi suất chính sách trở lại.
Về chính sách tiền tệ, trong cuộc họp vừa qua, Fed giữ nguyên dự báo lãi suất chính sách cuối năm 2024 sẽ đứng ở mức khoảng 4,6% (tức trong khoảng 4,5% - 4,75%), giảm 75 điểm cơ bản so với mức hiện tại là 5,25% - 5,50%, không thay đổi so với dự báo trước đây.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp cũng phát biểu cho rằng cơ quan này đã đạt được những bước tiến lớn trong kiểm soát lạm phát, nhưng con đường phía trước vẫn còn “gập ghềnh”. Quan trọng hơn, ông nhận định lãi suất chính sách nhiều khả năng đã đạt đỉnh và việc cắt giảm lãi suất chính sách trong năm nay là điều hợp lý.
Trái chiều với động thái của Fed, BoJ nâng lãi suất chính sách lần đầu tiên sau 17 năm. Tại cuộc họp tuần qua, ngày 19/3, BoJ nhận định lạm phát tại Nhật Bản có thể vượt lên mức 2,0% một cách ổn định trong năm 2024. Dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của nước này thực chất đã vượt qua ngưỡng 2,0% trong hơn một năm qua. Bên cạnh đó, trong đợt đàm phán lương gần đây, các công ty lớn tại Nhật Bản cũng đồng ý tăng lương cho người lao động lên mức cao nhất trong vòng 33 năm.
Các yếu tố trên là nguyên nhân chủ yếu khiến BOJ quyết định nâng lãi suất chính sách lên mức 0,1% từ mức -0,1% đã áp dụng từ đầu năm 2016. Đây cũng là lần đầu tiên BoJ có thể tăng lãi suất chính sách trở lại sau 17 năm.
Ngoài ra, BoJ cũng tiến hành thu hẹp và tiến tới chấm dứt biện pháp nới lỏng định lượng QE trong vòng 1 năm tới. Củng cố thêm cho quan điểm của BoJ, trong báo cáo ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản cho biết GDP của nước này tăng nhẹ 0,1% trong quý 4/2023, trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%.
Các quan chức nước này nhận định, kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ vừa phải, và hy vọng tăng trưởng tiền lương sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng (chiếm 50% quy mô GDP) tiếp tục được cải thiện dù lãi suất được BoJ nâng nhẹ.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương Úc (RBA) cùng tạm thời giữ quan điểm thận trọng. Các ngân hàng trung ương này cũng họp chính sách tiền tệ trong tháng 3, đều không thay đổi lãi suất chính sách lần lượt ở mức 4,75%, 5,25% và 4,35%, trong khi chờ đợi thêm các dữ liệu về lạm phát và kinh tế trong tương lai để đưa ra động thái tiếp theo.
GDP của cả 3 khu vực này đều có dấu hiệu rất yếu ở quý cuối 2023, lần lượt là đi ngang, suy giảm -0,3% và tăng nhẹ 0,2% so với quý trước. Lạm phát cũng có những dấu hiệu hạ nhiệt nhanh chóng hơn, lần lượt chỉ còn tăng 2,6%, 3,3% và 3,4% so với cùng kỳ trong tháng Hai vừa qua, không còn cách quá xa mục tiêu lạm phát 2,0% mà cả 3 ngân hàng trung ương cùng theo đuổi.
Nhìn chung, ngoại trừ câu chuyện riêng của Mỹ và Nhật Bản, các nền kinh tế phát triển khác đều đang cùng chung bối cảnh tăng trưởng yếu ớt và lạm phát đang hạ nhiệt dần theo thời gian. ECB, BoE và RBA đều đang chịu áp lực cắt giảm lãi suất chính sách nếu muốn hỗ trợ kinh tế hồi phục. Vấn đề của các ngân hàng trung ương này hiện tại chỉ là thời điểm thích hợp để hành động, tránh rủi ro áp lực lạm phát gia tăng trở lại. Theo đó, thời điểm mà Fed đưa ra động thái cắt giảm lãi suất chính sách (nhiều khả năng là tháng 6/2024) sẽ rất quan trọng (dù có thể đến sau ECB, BoE và RBA), đánh dấu chính sách tiền tệ trên thế giới bước vào giai đoạn đảo chiều trên diện rộng.
Tóm lược thị trường trong nước tuần 18-22/3
Thị trường ngoại tệ trong tuần 18-22/3, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 22/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.003 VND/USD, tăng 24 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.153 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 18-22/3 tiếp tục tăng dần qua hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 22/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.770 VND/USD, tăng 50 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng - giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên 22/3, tỷ giá tự do cùng giảm 103 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.457 VND/USD và 25.537 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần 18-22/3, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 22/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,20% (-0,66 điểm phần trăm); 1 tuần 0,48% (-0,61 điểm phần trăm); 2 tuần 1,20% (-0,24 điểm phần trăm); 1 tháng 1,76% (-0,28 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng hầu như không biến động nhiều ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 22/3, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,21% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 5,30% (không đổi); 2 tuần 5,38% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,40% (không đổi).
Trên thị trường mở tuần 18-22/3, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Trong tuần qua, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 69.699,9 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giảm từ 1,4%/năm xuống 1,35% rồi 1,32% các phiên sau đó, phiên cuối tuần tăng lên mức 1,7%.
Như vậy, NHNN hút ròng 69.699,9 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành đứng ở mức 144.698,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 20/3, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.095 tỷ đồng/13.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 45%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động thành công 3.095 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15 năm huy động được 3.000 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 30 năm gọi thầu lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, nhưng đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 2,39% (+0,03 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 15 năm 2,59% (+0,03 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 27/3, Kho bạc Nhà nước chào thầu 13.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 4.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 9.062 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 8.815 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tiếp tục xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn.
Chốt phiên 22/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,39% (+0,06 điểm phần trăm so với phiên trước đó); 2 năm 1,41% (+0,05 điểm phần trăm); 3 năm 1,46% (+0,06 điểm phần trăm); 5 năm 1,67% (+0,03 điểm phần trăm); 7 năm 2,05% (+0,04 điểm phần trăm); 10 năm 2,54% (+0,01 điểm phần trăm); 15 năm 2,74% (+0,03 điểm phần trăm); 30 năm 3,04% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong tuần 18-22/3, tương tự tuần trước đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh phiên đầu tuần nhưng đã phục hồi tích cực sau đó. Chốt phiên 22/3, VN-Index đứng ở mức 1.281,80 điểm, tăng 18,02 điểm (+1,43%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,14 điểm (+0,89%) lên mức 241,68 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,40 điểm (-0,44%) xuống mức 90,95 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất cao, trung bình đạt 33.000 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực từ mức 27.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, tại lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng nhà và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt ghi nhận ở mức 1,52 triệu đơn và 1,52 triệu căn trong tháng Hai, cao hơn so với 1,49 triệu đơn và 1,37 triệu căn của tháng Một, đồng thời cũng cao hơn so với mức 1,50 triệu đơn và 1,43 triệu căn theo kỳ vọng.
Bên cạnh đó, doanh số bán nhà cũ tại thị trường này đạt 4,38 triệu căn trong tháng Hai, tăng khá mạnh so với mức 4,0 triệu của tháng Một và đồng thời cao hơn so với mức 3,95 triệu căn theo dự báo. Đây là tháng có mức doanh số cao nhất kể từ tháng 3/2023.
Tiếp theo, S&P Global khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đạt 52,5 điểm trong tháng Ba, tăng nhẹ từ mức 52,2 điểm của tháng 2 và đồng thời cao hơn mức 51,8 điểm theo dự báo. Ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng này chỉ đạt 51,7 điểm, giảm xuống từ 52,3 điểm của tháng Hai, thấp hơn so với mức 52,0 điểm theo dự báo.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 16/3 ở mức 210 nghìn đơn, trái với dự báo giữ ở mức 212 nghìn đơn như kết quả thống kê của tuần trước đó. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 211,25 nghìn, tăng nhẹ 2,5 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước.
Cuối cùng cán cân vãng lai nước Mỹ thâm hụt 195 tỷ USD trong quý cuối năm 2023, gần bằng mức thâm hụt 196 tỷ của quý trước đó, song vẫn thấp hơn một chút so với mức thâm hụt 209 tỷ theo dự báo. Trong tuần này, thị trường tiếp tục chờ đợi báo cáo chính thức về GDP Mỹ quý 4/2023 và chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi tháng 2/2024, lần lượt được công bố vào tối ngày 28 và 29/3 theo giờ Việt Nam.
BoE không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng Ba, đồng thời nền kinh tế Anh cũng đón một số chỉ báo quan trọng. Trong cuộc họp ngày 21/3, BoE dự báo CPI toàn phần sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2,0% một chút trong quý II/2024 sau đo tăng nhẹ trở lại ở quý 3 và quý 4.
MPC quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25%, không thay đổi so với trước, đồng thời giữ quan điểm rằng chính sách tiền tệ thắt chặt cần được duy trì trong thời gian đủ dài cho đến khi hết nguy cơ lạm phát vượt qua mục tiêu 2,0%. MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về áp lực lạm phát và khả năng phục hồi của nền kinh tế để đưa ra những quyết định tiếp theo.
Liên quan đến kinh tế Anh, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 3,4% và 4,5% so với cùng kỳ trong tháng Hai, giảm tốc khá nhiều so với mức 4,0% và 5,1% của tháng trước đó, gần khớp với mức 3,5% và 4,6% theo dự báo.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại nước Anh đi ngang trong tháng 2 (0,0% so với tháng trước) sau khi tăng 3,6% so với tháng trước ở tháng Một, trái với dự báo giảm nhẹ 0,4%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ nước Anh giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ.
Cuối cùng, S&P Global cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 49,9 điểm trong tháng Ba, tăng lên từ 47,5 điểm của tháng trước và vượt qua mức 47,9 điểm theo kỳ vọng. PMI lĩnh vực dịch vụ tại Anh ghi nhận mức 53,4 điểm trong tháng này, trái với dự báo tiếp tục giữ ở mức 53,8 điểm của tháng Hai.