Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/12
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/12 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/12 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong 11 tháng qua của năm 2023 là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 đạt gần 28,85 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì mức tăng mạnh, góp phần đưa mức tăng của 11 tháng lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay (+14,8% y/y). Với 2.865 dự án được cấp phép mới và số vốn đăng ký đạt 16,41 tỷ USD, vốn đăng ký cấp mới 11 tháng đã tăng 58,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 42,4% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cấp phép mới FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 14,26 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 858,4 triệu USD, chiếm 5,2%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 7,9%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng có mức tăng mạnh với 3.166 lượt có tổng giá trị góp vốn 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.258 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,32 tỷ USD và 1.908 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,65 tỷ USD.
Đối với hình thức này, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 30,7% giá trị góp vốn; hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,54 tỷ USD, chiếm 25,7%; ngành còn lại 2,6 tỷ USD, chiếm 43,6%. Trái ngược với đà tăng của dòng vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần, vốn đăng ký điều chỉnh 11 tháng giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, đáng mừng là công nghiệp chế biến chế tạo đạt 16,67 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn FDI thực hiện.
Từ đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong năm nay, Việt Nam có thể thu hút được 36-38 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Con số đến hết tháng 11 mới chỉ đạt gần 29 tỷ, cho thấy thách thức lớn để đạt mục tiêu này. Đặc biệt, sang năm 2024, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài càng khó khăn hơn nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo là đang trong thời kỳ “một thập niên mất mát”. Đây là một dự báo có nhiều căn cứ khi xung đột trên thế giới gia tăng, thời đại “tiền dễ” không còn, hậu quả trầm trọng của COVID-19 chưa hết, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tình trạng đứt chuỗi và vỡ cấu trúc chưa được giải quyết, …
Vì vậy, để tiếp tục tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới, các chuyên gia đề xuất nhiều việc mà Chính phủ và doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục thực hiện. Thứ nhất là, cải cách các thủ tục hành chính khi các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, những khó khăn về hành chính là thách thức chính khi hoạt động tại Việt Nam.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở pháp lý khi có nhiều kiến nghị về sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, rào cản trong việc xin giấy phép.
Thứ ba, nới lỏng một cách phù hợp các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài.
Thứ tư, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, gia tăng khả năng cạnh tranh, nếu không những khó khăn sẽ tích lũy khiến các chi phí như logistics tăng mạnh làm giảm sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực nguồn nhân lực khi Việt Nam muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cần lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn cao hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng phải tự nâng tầm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư nước ngoài, đơn cử, thay vì khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, doanh nghiệp trong nước có thể tự xây dựng loại trung tâm này, tạo ra công nghệ mới hoặc có khả năng hấp thụ các công nghệ cao từ nước ngoài, ...
Tóm lược thị trường trong nước từ 11-15/12
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 11-15/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm, đặc biệt phiên cuối tuần giảm tới 63 đồng. Chốt ngày 15/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.882 VND/USD, giảm mạnh 69 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.026 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng tăng đầu tuần rồi giảm ở 2 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 15/12, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.260 VND/USD, tăng 41 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do cũng biến động theo xu hướng tăng đầu tuần và giảm trở lại vào cuối tuần. Chốt phiên 15/12, tỷ giá tự do giảm 70 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.550 VND/USD và 24.650 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 11-15/12, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 15/12, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,20% (không thay đổi); 1 tuần 0,36% (không thay đổi); 2 tuần 0,60% (+0,02 điểm phần trăm); 1 tháng 1,24% (+0,14 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 15/12, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,08% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 5,18% (+0,05 điểm phần trăm); 2 tuần 5,28% (+0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,38% (+0,04 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần từ 11-15/12, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 13/12, Kho bạc nhà nước chào thầu 5.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Khối lượng trúng thầu là 5.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 98%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 400 tỷ đồng/500 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động thành công toàn bộ 2.250 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30 năm huy động thành công toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm 1,58% (không đổi so với phiên trước), 10 năm 2,25% (không đổi), 15 năm 2,45% (không đổi), 30 năm 3,03% (-0,02 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 20/12, Kho bạc nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Trong tuần này, ngày 13/12, Kho bạc nhà nước chào thầu 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 16.785 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 7.055 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tiếp tục xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn.
Chốt phiên 15/12, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,57% (-0,05 điểm phần trăm); 2 năm 1,58% (-0,04 điểm phần trăm); 3 năm 1,59% (-0,03 điểm phần trăm); 5 năm 1,53% (-0,05điểm phần trăm); 7 năm 1,90% (-0,24 điểm phần trăm); 10 năm 2,22% (-0,13 điểm phần trăm); 15 năm 2,04% (-0,15 điểm phần trăm); 30 năm 3,06% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 11-15/12, thị trường chỉ tiếp tục tăng nhẹ phiên đầu rồi giảm khá mạnh trở lại. Chốt phiên 15/12, VN-Index đứng ở mức 1.102,30 điểm, giảm 22,14 điểm (-1,97%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 4,18 điểm (-1,81%) về mức 227,02 điểm; UPCom-Index giảm nhẹ 0,66 điểm (-0,77%) còn 85,05 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt trên 17.100 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 23.337 tỷ đồng/phiên ở tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 3.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Fed đưa ra nhiều dự báo quan trọng trong cuộc họp cuối năm 2023. Cụ thể, trong cuộc họp ngày 13/12, Fed dự báo GDP Mỹ lần lượt tăng 2,6% trong năm 2023 (+0,5 điểm phần trăm so dự báo hồi tháng 9) và giảm tốc còn 1,4% năm 2024 (-0,1 điểm phần trăm). Về lạm phát, PCE lõi lần lượt tăng 3,2% trong năm 2023 (-0,5 điểm phần trăm), hạ nhiệt còn 2,4% trong năm 2024 (-0,2 điểm phần trăm). PCE toàn phần cũng chỉ tăng 2,8% trong năm nay (-0,5 điểm phần trăm) sau đó hạ nhiệt xuống 2,4% trong năm sau (-0,1 điểm phần trăm).
Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp trong 2023 và 2024 lần lượt là 3,8% và 4,1% (cùng không đổi). Về lãi suất chính sách, Fed cho biết lãi suất chính sách cuối năm 2023 ở quanh 5,4% (-0,2 điểm phần trăm) và dự báo sẽ được cắt giảm xuống còn 4,6% ở năm 2024 (-0,5 điểm phần trăm).
Như vậy, có thể thấy Fed nhận định kinh tế Mỹ sẽ trở nên ảm đảm trong năm sau, đồng thời tỷ lệ lạm phát cũng giảm xuống với tốc độ lớn hơn những nhận định trước đây. Theo đó, cơ quan này sẽ có điều kiện ngừng tăng lãi suất chính sách sớm hơn và cắt giảm lãi suất chính sách mạnh hơn so với dự định cũ. Hội đồng chính sách tiền tệ Liên bang FOMC (thuộc Fed) quyết tâm đạt mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn, và duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp này.
Các quyết định về lãi suất chính sách tiếp theo sẽ được FOMC đưa ra dựa vào dữ liệu kinh tế, lạm phát trong tương lai.
Liên quan đến các chỉ báo kinh tế Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại nước này tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng 10 và khớp với dự báo. CPI toàn phần tại Mỹ trong tháng vừa qua cũng tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước, trái với dự báo tiếp tục đi ngang như kết quả của tháng 10.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2022, CPI lõi tại nước này tăng 4,0%, không đổi so với mức tăng của tháng 10; và CPI toàn phần tăng 3,1%, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 3,2% của tháng 10. Cuối cùng, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 0,2% ở tháng 10, trái với dự báo tiếp tục giảm 0,1%.
Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB và Ngân hàng Trung ương Anh BoE cùng không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp cuối năm. Về ECB, trong cuộc họp ngày 14/12, cơ quan này ước tính GDP khu vực Eurozone tăng 0,6% trong năm 2023 (-0,1 điểm phần trăm so dự báo hồi tháng 11) và 1,0% trong năm 2024 (-0,2 điểm phần trăm).
Theo ECB, các đợt tăng lãi suất chính sách trong thời gian qua đang tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế và đẩy áp lực lạm phát đi xuống. ECB quyết tâm đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn, và nhận định lãi suất chính sách đang ở mức mà nếu duy trì trong thời gian đủ dài sẽ đóng góp đáng kể cho quá trình thực hiện mục tiêu trên.
Theo đó, ECB không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp này. Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi tại ECB lần lượt ở mức 4,5%, 4,75% và 4,0%.
Về BOE, cũng trong ngày 14/12, cơ quan này dự báo lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2,0% vào năm 2025 và sau đó tiếp tục giảm xuống dưới mức này. CPI trung bình sẽ dao động trong khoảng 1,9% đến 2,2% trong dài hạn. Ủy ban chính sách tiền tệ của BOE (MPC) khẳng định mục tiêu đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2,0%, quyết định giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức 5,25%.
MPC dự báo mức lãi suất chính sách này có thể được duy trì cho tới Q3/2024, sau đó giảm dần xuống 4,25% vào cuối năm 2026. Liên quan đến kinh tế Anh, GDP nước này giảm 0,3% so với tháng trước trong tháng 10 sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, sâu hơn dự báo giảm nhẹ 0,1%. Cũng trong tháng 10, sản lượng công nghiệp tại Anh suy giảm 0,8% so với tháng trước sau khi đi ngang ở tháng 9 trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo giảm 0,1%.