Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/12
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/12 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/12 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Thị trường trái phiếu 11 tháng đầu năm 2023 diễn biến tương đối tích cực.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu chính phủ tháng 11/2023 có xu hướng tăng trưởng mạnh trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Thông qua 32 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh, tổng giá trị trái phiếu huy động đạt 31.950 tỷ đồng, tăng 68,38% so với tháng 10/2023. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành thành công 12.300 tỷ đồng trái phiếu, lũy kế 11 tháng đạt 87,27% kế hoạch phát hành năm 2023; Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 19.650 tỷ đồng trái phiếu, tổng cộng 11 tháng đạt 71% kế hoạch năm.
Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm tại phiên cuối tháng giảm nhẹ so với thời điểm đầu tháng, đạt tương ứng 1,6%, 2,28% và 2,48%. Riêng kỳ hạn 30 năm, lãi suất duy trì ổn định ở mức 3,05% như 2 tháng gần đây. Trong khi đó, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng, kỳ hạn bình quân là 12,93 năm, tăng 3,68 năm so với tháng 10.
Thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ sôi động trở lại trong tháng 11, trong đó giá trị giao dịch theo phương thức thông thường (outright) đạt gần 113.143 tỷ đồng, giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 21.178 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 11 đạt 6.106 tỷ đồng, tăng 20% so với tháng liền trước. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng qua chiếm 2,05% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trong tháng 10, Kho bạc Nhà nước phát hành được 14.475 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Tổng 2 tháng đầu quý IV/2023, kho bạc nhà nước đã huy động được 34.125 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Như vậy, theo thông báo của Kho bạc Nhà nước, trong quý IV/2023, Kho bạc Nhà nước thực hiện đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với số tiền 130 nghìn tỷ đồng, đến hết tháng 11, Kho bạc Nhà nước mới huy động được hơn 26% kế hoạch huy động của quý. Tính đến hết tháng 11/2023, Kho bạc Nhà nước huy động được 298.481 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng gần 75% kế hoạch phát hành năm 2023 khi Kho bạc Nhà nước không chịu áp lực phát hành lớn trong năm nay.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo số liệu của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 24/11, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 214,3 nghìn tỷ đồng, giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức, chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%); các nhà đầu tư cá nhân mua 3,8%.
Trong đó, từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực thi hành vào 5/3/2023, khối lượng phát hành là 213,5 nghìn tỷ đồng.
Có thể nhận thấy, từ khi Nghị định số 08 được ban hành, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các quy định của Nghị định số 08 về đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản và đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 2 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước, theo đánh giá của các hiệp hội và thành viên thị trường thì đây là chính sách tốt và hữu hiệu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư, cơ cấu lại các khoản nợ để có thời gian điều chỉnh, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục dòng tiền trả nợ…
Tuy nhiên, năm 2024 là thời gian trái phiếu doanh nghiệp đến hạn với số lượng lớn, dòng tiền đáo hạn trong năm tới, bao gồm cả lượng gốc và lãi khoảng 380.000 tỷ đồng, tập trung vào 2 nhóm ngành chính là bất động sản và ngân hàng. Trong đó, tổng giá trị đáo hạn năm 2024 của nhóm bất động sản khoảng hơn 110.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia đều nhận định, thị trường vẫn cần có thêm một thời gian dài đề hồi phục hoàn toàn, cũng như chứng tỏ được vai trò tích cực của kênh dẫn vốn an toàn, minh bạch để nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 18-22/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt ngày 22/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.915 VND/USD, tăng 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.060 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng biến động tăng - giảm khá mạnh qua các phiên trong tuần qua. Kết thúc phiên 22/12, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.235 VND/USD, giảm 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do được giao dịch theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên 22/12, tỷ giá tự do tăng 120 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.670 VND/USD và 24.720 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 18-22/12, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng qua tất cả các phiên. Chốt ngày 22/12, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,29% (+0,09 điểm phần trăm); 1 tuần 0,68% (+0,32 điểm phần trăm); 2 tuần 1,30% (+0,70 điểm phần trăm); 1 tháng 1,60% (+0,36 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 22/12, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,06% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 5,19% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,28% (không thay đổi) và 1 tháng 5,38% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 18-22/12, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 20/12, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 4 loại trái phiếu chính phủ với tổng khối lượng 6.000 tỷ đồng. Kết thúc phiên, có 4.072 tỷ đồng trúng thầu, đạt 68%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm gọi 1.000 tỷ đồng và không có khối lượng trúng thầu, 10 năm huy động được 1.722 tỷ/2.250 tỷ gọi thầu, 15 năm huy động được 1.600 tỷ/2.000 tỷ đồng gọi thầu và 30 năm huy động được toàn bộ 750 tỷ đồng. Lãi suất phát hành ở 3 kỳ hạn trên lần lượt là 2,20%; 2,40% và 3,0%, cùng giảm 0,05 điểm phần trăm so với lần trúng thầu gần nhất.
Trong tuần này, ngày 27/12, Kho bạc Nhà nước chào thầu 4.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm và 15 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn và 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.490 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 16.785 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 5 năm và 15 năm. Chốt phiên 22/12, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,55% (-0,02 điểm phần trăm); 2 năm 1,56% (-0,02 điểm phần trăm); 3 năm 1,57% (-0,02 điểm phần trăm); 5 năm 1,53% (không đổi); 7 năm 1,90% (-0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,21% (-0,005 điểm phần trăm); 15 năm 2,41% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,01% (-0,05 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 18-22/12 tiếp tục tăng nhẹ phiên đầu rồi giảm khá mạnh trở lại. Chốt phiên 22/12, VN-Index đứng ở mức 1.102,30 điểm, giảm 22,14 điểm (-1,97%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 4,18 điểm (-1,81%) về mức 227,02 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,66 điểm (-0,77%) còn 85,05 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt trên 17.100 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 23.337 tỷ đồng/phiên ở tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 3.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, GDP tại quốc gia này chính thức tăng 4,9% so với quý trước đó trong quý III/2023, điều chỉnh xuống thấp hơn so với mức tăng 5,2% theo báo cáo sơ bộ. Nguyên nhân chính đến từ dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng, được điều chỉnh xuống thấp hơn đáng kể so với ghi nhận ban đầu. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng GDP theo quý lớn nhất kể từ sau quý IV/2021.
Về lạm phát, chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tại nước Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 11, bằng với mức tăng của tháng trước đó. PCE toàn phần ghi nhận mức giảm 0,1% trong tháng trước sau khi đi ngang ở tháng 10. So với cùng kỳ năm 2022, PCE lõi và PCE toàn phần lần lượt tăng 3,2% và 2,6% trong tháng 11, cùng hạ nhiệt so với mức 3,4% và 2,9% của tháng 10.
Tiếp theo, tại thị trường bất động sản, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ tháng 11 đạt 3,82 triệu căn, tăng nhẹ so với mức 3,79 triệu căn của tháng 10 đồng thời cao hơn mức 3,77 căn theo dự báo. Trái lại, doanh số bán nhà mới chỉ đạt 590 nghìn căn trong tháng vừa qua, giảm khá mạnh so với 672 nghìn căn của tháng 10 và trái với kỳ vọng tăng lên mức 689 nghìn căn.
Ở lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng nhà mới trong tháng 11 ở mức 1,46 triệu căn, thấp hơn mức 1,50 triệu của tháng 10, đồng thời thấp hơn mức 1,47 triệu đơn theo dự báo. Tuy nhiên, số nhà khởi công trong tháng vừa qua đạt 1,56 triệu căn, cao hơn khá nhiều so với dự báo đi ngang ở mức 1,46 triệu căn như kết quả tháng 10.
Cuối cùng, về thị trường tiêu dùng Mỹ, tổ chức Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại quốc gia này ở mức 110,7 điểm trong tháng 12, tăng khá mạnh từ mức 101 điểm của tháng trước đồng thời vượt qua mức 104,6 điểm theo kỳ vọng.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp cuối năm. Trong phiên họp diễn ra ngày 19/12, BoJ thông báo tiếp tục áp dụng lãi suất chính sách ở mức -0,1% (lãi suất tiền gửi của các định chế tài chính tại BoJ, kỳ hạn qua đêm). Bên cạnh đó, BoJ cũng sẽ mua vào lượng trái phiếu chính phủ cần thiết để lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm duy trì quanh mức 0%.
BoJ nhận định nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi ở mức độ vừa phải, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của thế giới chậm lại. Lạm phát có dấu hiệu chậm hơn nhưng vẫn ở quanh mức 3%. BOJ khẳng định mục tiêu lạm phát dài hạn ở 2,0%, sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng cả định lượng và định tính nhằm đạt được lạm phát ở trên mức mục tiêu trong một thời gian hợp lý.
Liên quan đến kinh tế Nhật Bản, cán cân thương mại tại nước này thâm hụt 0,41 nghìn tỷ JPY trong tháng 11, nhỏ hơn mức thâm hụt 0,5 nghìn tỷ của tháng 10 và đồng thời nhỏ hơn mức thâm hụt 0,76 nghìn tỷ theo dự báo.
Cuối cùng, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tại nước Nhật tăng 2,5% so với cùng kỳ trong tháng 10, thấp hơn mức 2,9% của tháng Chín và khớp với dự báo của các chuyên gia.