Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18 - 22/9
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/9 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/9 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Tám tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.924 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 39,7% về số vốn đăng ký. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,55 tỷ USD, chiếm 85,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 472,4 triệu USD, chiếm 5,3%; các ngành còn lại đạt 851,8 triệu USD, chiếm 9,6%.
Tuy nhiên, vốn đăng ký điều chỉnh có 830 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,54 tỷ USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,08 tỷ USD, chiếm 82,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 685,7 triệu USD, chiếm 5,1%; các ngành còn lại đạt 1,63 tỷ USD, chiếm 12,2%.
Về vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng số có 2.268 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,74 tỷ USD, tăng 62,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 903 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,7 tỷ USD và 1.365 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,04 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 32,4% giá trị góp vốn; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,21 tỷ USD, chiếm 25,6%; ngành còn lại 1,99 tỷ USD, chiếm 42%.
Về giải ngân, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,75 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng FDI thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 863,5 triệu USD, chiếm 6,6%; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 625,9 triệu USD, chiếm 4,8%.
Mặc dù số liệu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tích cực, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thách thức có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay và có thể cả năm 2024. Trước hết, bất ổn kinh tế toàn cầu trong năm 2023 khiến tình hình phục hồi chậm lại. Các quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, những đối tác thương mại và nhà đầu tư FDI chính của Việt Nam, được dự báo sẽ suy thoái vào năm 2024. Nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu quốc tế sụt giảm đáng kể, khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp.
Thứ hai, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Đây là hiện tượng mới khởi nguồn từ đại dịch và được gọi là “đầu tư lân cận”. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba là chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó đề cập đến đề xuất thiết lập mức thuế tối thiểu cho các tập đoàn đa quốc gia (MNC) trên toàn thế giới. Mục tiêu là ngăn chặn các MNC tham gia vào các chiến lược lập kế hoạch thuế cực đoan, chẳng hạn như chuyển dịch lợi nhuận, giảm thiểu nghĩa vụ thuế của họ. Thứ tư, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài từ khu vực như Thái Lan và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài các nguyên nhân khách quan, các nhà đầu tư nước ngoài cũng khuyến nghị, để hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.
Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các khu vực/các nước. Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng và nhất quán, và thực thi chúng một cách công bằng và đồng nhất.
Tóm lược thị trường trong nước từ 18 - 22/9
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 18 - 22/9, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng khá mạnh ở 3 phiên đầu tuần rồi giảm 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 22/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.060 VND/USD, tăng 24 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.213 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng tiếp tục được giao dịch theo xu hướng tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên 22/9, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.355 VND/USD, tăng 95 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 22/9, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào và tăng 90 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.280 VND/USD và 24.350 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 18 - 22/9, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng nhẹ. Chốt ngày 22/9, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,21% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 0,40% (+0,05 điểm phần trăm); 2 tuần 0,53% (+0,04 điểm phần trăm); 1 tháng 1,10%.
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng - giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 22/9, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,04% (không đổi); 1 tuần 5,15% (không đổi); 2 tuần 5,24% (không đổi) và 1 tháng 5,36% (+0,01 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần từ 18 - 22/9, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Hai phiên cuối tuần, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 20.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất phiên đầu ở mức 0,69%, phiên sau ở mức 0,5%. Như vậy, NHNN hút ròng 20.000 tỷ đồng từ thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 19/9, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh ở kỳ hạn 10 năm, 15 năm; không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn.
Ngày 20/9, Kho bạc Nhà nước chào thầu 5.750 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 4.000 tỷ đồng, tương đương 70%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500 tỷ đồng/2.250 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động được 2.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm 1,64% (-0,03 điểm phần trăm), 10 năm 2,36% (không đổi), 15 năm 2,59% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 25/9, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủBL, trong đó, kỳ hạn 10 năm chào thầu 500 tỷ và 15 năm chào thầu 1.500 tỷ. Ngày 27/09, Kho bạc Nhà nước chào thầu 4.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ, 10 năm và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.251 tỷ đồng/phiên, tăng khá so với mức 4.760 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động trái chiều.
Chốt phiên 22/9, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,67% (không đổi); 2 năm 1,67% (không đổi); 3 năm 1,71% (không đổi); 5 năm 1,73% (-0,03 điểm phần trăm); 7 năm 2,31% (+0,02 điểm phần trăm); 10 năm 2,60% (+0,01 điểm phần trăm); 15 năm 2,81% (0,02 điểm phần trăm); 30 năm 3,08% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 18 - 22/9 tiếp tục giảm điểm so với tuần trước đó. Chốt phiên 22/9, VN-Index đứng ở mức 1.993,05 điểm, giảm mạnh 34,31 điểm (-2,80%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 9,61 điểm (-3,80%) còn 243,15 điểm; UPCoM-Index rớt 3,0 điểm (-3,20%) về mức 90,76 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch trung bình gần 26.000 tỷ đồng/phiên từ mức khoảng 22.450 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh khoảng gần 2.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng 9. Tuần qua, ngày 20/9, Fed dự báo GDP Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 (+1,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6) và 1,5% năm 2024 (+0,4 điểm phần trăm). Tỷ lệ thất nghiệp năm nay sẽ ở mức 3,8% (-0,3 điểm phần trăm) và 4,1% vào năm sau (-0,4 điểm phần trăm). Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE toàn phần tăng 3,3% so với cùng kỳ trong năm nay (+0,1 điểm phần trăm) và 2,5% năm sau (không đổi), trong khi PCE lần lượt tăng 3,7% (-0,2 điểm phần trăm) và 2,6% (không đổi).
Fed nhận định nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tương đối nhanh, và lạm phát vẫn ở mức cao trong thời gian vừa qua. Cơ quan này khẳng định mục tiêu toàn dụng nhân công và đưa lạm phát về mức 2,0% trong dài hạn. Theo đó, Fed quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,50%, không thay đổi so với cuộc họp trước. Cũng trong cuộc họp lần này, biểu đồ Dot-plot của Fed cho thấy lãi suất chính sách kết thúc năm 2023 ở khoảng 5,6%, đồng nghĩa với việc có một lần tăng lãi suất chính sách nữa ở những tháng cuối năm. Lãi suất chính sách sẽ bắt đầu giảm trong năm 2024, xuống còn 5,1%, chậm hơn so với dự báo xuống 4,6% ở cuộc họp tháng 6.
Ngoài cuộc họp của Fed, thị trường Mỹ cũng ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Về thị trường xây dựng, số cấp phép xây dựng nhà tại Mỹ ở mức 1,54 triệu đơn trong tháng 8, cao hơn so với kỳ vọng duy trì ở mức 1,44 triệu đơn như kết quả tháng 7. Mặc dù vậy, số nhà khởi công trong tháng vừa qua chỉ đạt 1,28 triệu căn, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,45 triệu căn của tháng 7 và cũng thấp hơn mức 1,44 triệu căn theo dự báo.
Tiếp theo, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 16/9 ở mức 201 nghìn đơn, giảm xuống từ 221 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên 224 nghìn đơn.
Cuối cùng, S&P Global khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đạt 48,9 điểm trong tháng 9, tăng từ 47,9 điểm của tháng 8, vượt qua mức 48,2 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng này ở mức 50,2 điểm, giảm từ 50,5 điểm của tháng 8 và trái với dự báo tăng lên thành 50,7 điểm.
Sau Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng có cuộc họp quan trọng, lần đầu dừng tăng lãi suất chính sách sau thời gian dài. Trong cuộc họp ngày 21/9, BoE cho biết lạm phát tại Anh đang giảm nhanh trong vòng 2 tháng trở lại đây, phản ánh lạm phát năng lượng đã hạ nhiệt. Mặc dù vậy vẫn có một số loại mặt hàng như dầu mỏ và lương thực đang cho thấy xu hướng tăng mới. BoE ưu tiên đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0%, bên cạnh đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Do vậy, cơ quan này quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức 5,25%, không thay đổi so với trước, trái với dự báo tăng lên 5,5% từ thị trường, chấm dứt đợt tăng lãi suất chính sách liên tục kéo dài gần 2 năm qua. BoE cũng cho biết có thể tăng lãi suất chính sách nếu cần thiết, các quyết định tiếp theo sẽ phụ thuộc vào triển vọng kinh tế và áp lực lạm phát trong tương lai.
Liên quan đến chỉ báo kinh tế Anh, CPI toàn phần tại nước này tăng 6,7% so với cùng kỳ trong tháng 8 vừa qua, thấp hơn mức 6,8% của tháng 7 và trái với dự báo leo lên 7,0%. Bên cạnh đó, CPI lõi tại quốc gia này chỉ tăng 6,2% trong tháng 8, hạ nhiệt mạnh từ 6,9% của tháng 7 và đồng thời thấp hơn mức 6,8% theo dự báo.
PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh ở mức 44,2 điểm trong tháng 9, tăng lên từ 43 điểm của tháng 8, cao hơn mức 43,3 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 47,2 điểm trong tháng này, giảm xuống từ 49,5 điểm của tháng 8 và cũng thấp hơn so với mức 49,2 điểm theo dự báo. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 0,4% trong tháng 8 sau khi giảm 1,1% ở tháng trước đó, gần khớp với mức tăng 0,5% theo kỳ vọng.