Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 19-23/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/6 |
Tổng quan
Tháng Sáu chứng kiến Fed tạm ngừng tăng lãi suất, trong khi nhiều Ngân hàng Trung ương lớn khác vẫn tiếp tục lộ trình của mình.
Nhìn vào các thước đo lạm phát tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 4,0% và 5,3% so với cùng kỳ trong tháng Năm, cùng hạ nhiệt từ 4,9% và 5,5% của tháng trước đó. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là CPI lõi so với tháng trước đã tăng tròng vòng 36 tháng liên tiếp, đặc biệt tăng nhanh kể từ 10/2021 cho tới nay (20 tháng) và chưa có dấu hiệu giảm tốc.
Ngoài CPI, thước đó lạm phát độc lập của Fed là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi vẫn đang tăng 4,7% so với cùng kỳ, có dấu hiệu qua đỉnh nhưng chưa hạ nhiệt nhiều, còn cách xa mục tiêu 2,0% mà cơ quan này theo đuổi. PCE lõi so với tháng trước cũng tăng tương đối mạnh và dai dẳng trong vòng 30 tháng liên tiếp. Như vậy, áp lực lạm phát tại Mỹ đã qua vùng đỉnh nhưng vẫn còn khá cao và dai dẳng, đủ khiến cho Fed giữ thái độ thận trọng.
Trong cuộc họp ngày 14/6, Fed quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,0% - 5,25%, không thay đổi so với cuộc họp trước đó, nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn. Đây là lần đầu tiên Fed dừng lại sau 10 nhịp tăng liên tiếp trước đó, từ mức 0,0% - 0,25% hồi tháng 3/2022.
Mặc dù vậy, theo biểu đồ dot-plot mới của Fed, lãi suất chính sách kết thúc năm 2023 được dự báo ở khoảng 5,5% - 5,75%, cao hơn 50 điểm phần trăm so với dot-plot trong tháng Ba, đồng nghĩa với việc có thể có hai lần tăng lãi suất chính sách nữa trong nửa cuối năm nay.
Tại văn bản công bố sau cuộc họp, Fed dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi năm 2023 sẽ ở mức 3,9%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước. Về phía thị trường, phần lớn ý kiến đang dự đoán rằng Fed có thể chỉ cần tăng lãi suất chính sách một nhịp nữa vào cuộc họp ngày 26/7, sau đó giữ đi ngang tới cuối 2023 và bắt đầu cắt giảm trở lại trong năm 2024.
Xung quanh cuộc họp của Fed, nhiều Ngân hàng Trung ương lớn khác cũng có lịch họp chính sách tiền tệ trong tháng này.
Đầu tiên, tại phiên họp ngày 6/6, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) nhận định lạm phát tại nước này đã qua vùng đỉnh, nhưng mức 7% so với cùng kỳ vẫn là quá cao và cần thời gian để tiếp tục hạ nhiệt về mức mục tiêu 2% - 3%. Vì vậy, RBA đã tăng lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản, từ mức 3,85% lên mức 4,1%, trái với dự báo giữ nguyên của thị trường.
Tiếp theo, ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng lạm phát tại Eurozone đang có xu hướng suy yếu, nhưng vẫn còn ở mức cao và dai dẳng. Do vậy, ECB quyết định tăng bộ lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản nhằm ưu tiên đưa lạm phát về lại mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn. Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi của ECB lần lượt tăng lên mức 4,0%, 4,25% và 3,50%. Tỷ lệ lạm phát của Eurozone được ECB dự báo ở mức 5,1% năm 2023, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước.
Cuối cùng, ngày 20/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nhận định áp lực lạm phát đang tiếp tục căng thẳng do các tác động vòng hai, có thể mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng mạnh lãi suất chính sách trở lại với 50 điểm cơ bản, từ mức 4,5% lên 5,0%.
Như vậy, trong khi Fed tạm dừng tăng lãi suất chính sách, nhiều Ngân hàng Trung ương lớn khác vẫn tiếp tục lộ trình thắt chặt tiền tệ của mình do có bối cảnh kinh tế và lạm phát khác nhau. Tuy nhiên, từ việc Fed dừng lại cho thấy lãi suất chính sách của cơ quan này nhiều khả năng đang ở vùng đỉnh, đã đủ cao để lạm phát tiếp tục hạ nhiệt theo thời gian. Thị trường có thể kỳ vọng khi Fed cắt giảm lãi suất chính sách trở lại sẽ khiến đồng USD yếu đi nhanh hơn, giải tỏa áp lực cho các Ngân hàng Trung ương khác và có thể tạo ra xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ trên diện rộng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế vẫn đang trầm lắng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 19-23/6
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 19-23/6, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh chủ yếu theo xu hướng tăng. Chốt ngày 23/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.732 VND/USD, tăng 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD. Trong khi giá bán USD phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.868 VND/USD.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng biến động tăng - giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 23/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.521 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 23/6, tỷ giá tự do tăng 60 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.575 VND/USD và 23.625 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 19-23/6, lãi suất VND liên ngân hàng giảm 2 phiên đầu tuần rồi dần tăng trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 23/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,08% (+0,07 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 1,37% (không thay đổi); 2 tuần 1,85% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tháng 3,03% (-0,18 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng ít biến động trong tuần qua. Phiên cuối tuần 23/6, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,83% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,90% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,0% (không thay đổi) và 1 tháng 5,17% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 19-23/6, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, với lãi suất cho cả 2 kỳ hạn đều ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, không có đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại giữ nguyên ở mức 293,83 tỷ đồng. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu ngày 21/6, Kho bạc Nhà nước huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu đạt 4.750 tỷ, tương đương 95%. Đợt phát hành này bao gồm 3 loại kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 2.250 tỷ đồng gọi thầu, 15 năm huy động được toàn bộ 2.250 tỷ, và 30 năm huy động được 250 tỷ/500 tỷ gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 2,60% (-0,25 điểm phần trăm so lần trúng thầu trước), 15 năm 2,85% (-0,20 điểm phần trăm) và 30 năm 3,25% (-0,15 điểm phần trăm).
Tuần vừa qua từ 19-23/6 có 7.110 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần này, ngày 28/06, Kho bạc Nhà nước dự định gọi thầu 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó, kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ 10 năm gọi thầu 2.000 tỷ, 15 năm gọi 2.000 tỷ và 20 năm gọi 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.230 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 6.225 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.230 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 6.225 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Thị trường chứng khoán tuần từ 19-23/6, thị trường chứng khoán vẫn tích cực khi tăng điểm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 23/06, VN-Index đứng ở mức 1.129,38 điểm, tăng 14,16 điểm (+1,27%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 3,10 điểm (+1,36%) lên 231,54 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 1,09 điểm (+1,29%) đạt 85,71 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 18.200 tỷ đồng/phiên so với mức 18.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.468 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lĩnh vực bất động sản, số cấp phép xây dựng nhà và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt đạt 1,49 triệu đơn và 1,63 triệu căn trong tháng 5, cùng cao hơn 1,42 triệu đơn và 1,34 triệu căn của tháng trước đó, và cao hơn so với mức 1,42 triệu đơn và 1,40 triệu căn theo dự báo.
Tuy nhiên, doanh số bán nhà cũ trong tháng vừa qua chỉ ở mức 4,30 triệu căn, gần như không tăng so với 4,29 triệu căn của tháng Tư, là tháng thứ 3 liên tiếp rơi xuống dưới mức 4,5 triệu căn.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/6 ở mức 264 nghìn đơn, đi ngang so với tuần trước đó, nhưng cao hơn mức 261 nghìn đơn theo dự báo.
PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 46,3 điểm trong tháng 6, giảm từ 48,4 điểm của tháng 5 và trái với kỳ vọng tăng lên thành 48,6 điểm. PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này cũng giảm xuống 54,1 điểm trong tháng Sáu từ mức 54,9 điểm của tháng 5, song vẫn tích cực hơn mức 53,9 điểm theo dự báo.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin kinh tế đáng chú ý khác của Mỹ, trong đó có GDP chính thức quý I/2023 và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tháng Năm.
BOE tăng mạnh lãi suất chính sách trở lại sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 8,7% và 7,1% so với cùng kỳ trong tháng Năm, cho thấy áp lực gia tăng so với 8,7% và 6,8% của tháng trước đó.
Ngày 22/6, BOE nhận định áp lực lạm phát đang tiếp tục căng thẳng do các tác động vòng hai, có thể mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản, từ mức 4,5% lên 5,0%. Trước đó, BOE đã thu hẹp đà tăng chỉ còn 25 điểm cơ bản trong các cuộc họp tháng Ba và tháng Năm. Lãi suất trên cũng đồng thời là mức cao nhất của BOE kể từ năm 2008.
Sau cuộc họp, Thống đốc BOE Andrew Bailey phát biểu cho biết: “Nền kinh tế Anh đang hoạt động tốt hơn so với dự kiến và lạm phát vẫn còn quá cao. BOE cần đối mặt với vấn đề này và nếu không tăng lãi suất ngay lập tức thì tình hình về sau có thể trở nên tồi tệ hơn”.
Liên quan đến thông tin kinh tế Anh, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại nước này lần lượt ở mức 46,2 và 53,7 điểm trong tháng Sáu, cùng giảm từ 47,1 và 55,2 điểm của tháng Năm, đồng thời cùng thấp hơn mức 46,9 và 54,8 điểm theo dự báo. Doanh số bán lẻ tại Anh tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước trong tháng Năm, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm nhẹ 0,2%.