Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-24/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/11 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/11 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Tại Kỳ họp thứ 6, ngày 23/11, Quốc hội thống nhất chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), mặc dù so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo trình Quốc hội lần này.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều (tăng 2 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5). Dự thảo Luật được xây dựng theo chủ trương: “Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững”.
Một số nội dung cụ thể như sau:
Dự thảo luật đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình Quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.
Dự thảo Luật cũng quy định nhằm nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn; bổ sung yêu cầu trách nhiệm, các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này gặp vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, công khai thông tin về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên,…
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện các nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng như: khái niệm về vốn điều lệ; doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng, chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí, phân phối lợi nhuận và các quỹ, trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ,…
Về áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn so với dự thảo trước đó, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 3 tháng liên tục). Thủ tướng có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, do đây là trường hợp sử dụng gián tiếp nguồn lực của Nhà nước trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống.
Đối với dự phòng rủi ro, dự thảo Luật chỉnh lý thành “Việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Chính phủ quy định” thay vì Thống đốc NHNN quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định như: thư tín dụng; thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ tổ chức tín dụng; những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ; công khai, công bố thông tin; tổ chức tín dụng là hợp tác xã; xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại; khái niệm và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng,…
Dự thảo Luật đã bổ sung 01 chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các Ngân hàng chính sách, Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về Ngân hàng chính sách,...
Theo ý kiến Quốc hội, đây là Dự án Luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo Luật.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 20-24/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 3 phiên đầu tuần, tăng nhẹ trở lại sau đó. Chốt ngày 24/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.927 VND/USD, giảm 45 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.073 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng tiếp tục giảm đầu tuần nhưng cuối tuần đã tăng trở lại. Kết thúc phiên 24/11, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.268 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 24/11, tỷ giá tự do giảm 60 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.440 VND/USD và 24.560 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 20-24/11, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 24/11, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,20% (không thay đổi); 1 tuần 0,30% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 0,49% (-0,11 điểm phần trăm); 1 tháng 0,98% (-0,24 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 24/11, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,06% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 5,14% (-0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 5,25% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,35% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 20-24/11, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Có 25.549,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 25.549,9 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 71.749,9 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 20/11, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh, khối lượng trúng thầu là 2.800 tỷ đồng, tương đương 70%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm trúng thầu 1.200 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng chào thầu và kỳ hạn 15 năm trúng thầu 1.600 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 3,0% (-0,15 điểm phần trăm so với phiên tuần trước), 15 năm 3,4% (-0,2 điểm phần trăm).
Ngày 22/11, Kho bạc Nhà nước chào thầu 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tỷ lệ trúng thầu là 100%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.500 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30 năm huy động được 1.000 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 2,37% (-0,10 điểm phần trăm so với phiên tuần trước), 15 năm 2,59% (-0,11 điểm phần trăm), 30 năm 3,05% (không thay đổi).
Trong tuần này, ngày 29/11, Kho bạc Nhà nước chào thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm và 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.790 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 6.542 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 24/11, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,65% (-0,06 điểm phần trăm); 2 năm 1,66% (-0,06 điểm phần trăm); 3 năm 1,67% (-0,06 điểm phần trăm); 5 năm1,73% (-0,05 điểm phần trăm); 7 năm 2,15% (+0,001 điểm phần trăm); 10 năm 2,41% (-0,11 điểm phần trăm); 15 năm 2,63% (-0,07 điểm phần trăm); 30 năm 3,16% (-0,04 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 20-24/11 tuy chỉ có 1 phiên giảm điểm nhưng vẫn chốt tuần trong sắc đó. Chốt phiên 24/11, VN-Index đứng ở mức 1.095,61 điểm, giảm 5,58 điểm (-0,51%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 0,44 điểm (-0,19%) về mức 226,10 điểm; UPCoM-Index giảm 1,03 điểm (-1,20%) còn 84,99 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 20.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 470 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 11, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận các thông tin kinh tế quan trọng.
Trong biên bản cuộc họp ngày 1/11 (công bố ngày 22/11), Ủy ban Thị trưởng mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) vẫn bày tỏ lo ngại áp lực lạm phát cao tại Mỹ có thể dai dẳng. Theo đó, chính sách tiền tệ thắt chặt cần được cơ quan này duy trì cho tới khi dữ liệu chứng minh lạm phát trở về mức mục tiêu 2,0% một cách thuyết phục. FOMC khẳng định sẽ tiếp tục điều hành cẩn trọng, dựa trên dữ liệu về kinh tế trong tương lai.
Trong biên bản này, Fed để ngỏ cả hai khả năng cắt giảm hoặc tiếp tục tăng lãi suất chính sách trong cuộc họp cuối năm sẽ diễn ra ngày 13/12 tới.
Hiện tại, công cụ dự báo của CME cho thấy có 95% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức 5,25-5,50% trong cuộc họp tới, chỉ có 5% khả năng tăng lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản lên 5,50-5,75%.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 18/11 ở mức 209 nghìn đơn, giảm so với mức 233 nghìn của tuần trước đó và đồng thời thấp hơn so với mức 226 nghìn theo dự báo.
Về lĩnh vực sản xuất, chỉ số PMI do S&P Global khảo sát chỉ ở mức 49,4 điểm trong tháng 11, giảm nhẹ từ 50,0 điểm của tháng 10 và thấp hơn mức 49,9 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng này đạt 50,8 điểm, tăng nhẹ so với 50,6 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm nhẹ còn 50,4 điểm.
Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại Mỹ giảm mạnh 5,4% trong tháng 10 sau khi tăng 4,6% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 3,2% theo dự báo. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi cũng không tăng trưởng trong tháng vừa qua sau khi tăng nhẹ 0,4% ở tháng Chín, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng nhẹ 0,2%.
Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát ở mức 61,3 điểm trong tháng 11, tăng nhẹ từ mức 60,4 điểm của tháng 10, gần khớp với mức 61,1 điểm theo dự báo.
Trong tuần này thị trường chờ đợi các thông tin về GDP sơ bộ lần 2 và chỉ số lạm phát PCE lõi tại Mỹ, sẽ được công bố lần lượt vào ngày 29 và 30/11 theo giờ Việt Nam.
Khu vực Eurozone đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, theo khảo sát của S&P Global, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại khu vực Eurozone lần lượt ở mức 43,8 và 48,2 điểm trong tháng 11, cùng tăng nhẹ so với mức 43,1 và 47,8 điểm của tháng trước đó, đồng thời cùng cao hơn mức 43,3 và 48,0 điểm theo dự báo. Đây là các mức PMI cao nhất mà Eurozone đạt được trong vòng 4 tháng gần nhất.
Tiếp theo, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Eurozone ghi nhận mức -17 điểm trong tháng 11, cải thiện không đáng kể so với mức -18 điểm của tháng 10.
Tại nước Đức nói riêng, PMI sản xuất và dịch vụ lần lượt ở mức 42,3 và 48,7 điểm trong tháng này, cùng tăng từ 40,8 và 48,2 điểm của tháng 10. GDP của quốc gia này trong quý III ghi nhận mức giảm 0,1% so với quý trước sau khi đi ngang ở quý trước đó, khớp với dự báo của Reuters.
Cuối cùng, chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức do Ifo khảo sát ở mức 87,3 điểm trong tháng 11, tăng nhẹ từ mức 86,9 điểm của tháng 10, gần khớp với mức 87,5 điểm theo dự báo.