Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21 - 25/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/10 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/10 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Ngày 21/10, Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Trong năm 2024, Chính phủ đã tập trung ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đánh giá tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước (GDP Quý I tăng 5,87%, Quý II tăng 7,09%, Quý III tăng 7,4%), 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%).
Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng cả nước đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao (WB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng 6,1%, HSBC dự báo tăng 6,5%, ADB dự báo tăng 6%, IMF dự báo tăng 6,1%). Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024); ước cả năm khoảng 4 - 4,5% (phù hợp với chỉ tiêu Quốc hội giao).
Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm (lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm 0,86% so với cuối năm 2023). Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2023; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD; cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 800 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664,9 nghìn tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh 8,4 nghìn tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc không giải ngân được sang các bộ, ngành, địa phương khác. Ước thanh toán đến 30/9/2024 đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút đầu tư nước ngoài là điểm sáng khi 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm; giải ngân 9 tháng đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ước cả năm thu hút đầu tư nước ngoài đạt 39 - 40 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 23 tỷ USD.
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp (khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 79,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn 11,64%). Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng (tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,34%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng với mức tăng 9,76%). Dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt (tính chung 9 tháng, khu vực dịch vụ tăng 6,95%); thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh (doanh thu thương mại điện tử năm 2024 ước đạt 27,7 - 28 tỷ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới). Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và công nghệ cao.
Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Trong 8 tháng, toàn hệ thống xử lý được 188,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 30,7%; tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém (đã chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương và ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương cho Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội).
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Chính phủ phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu; giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng ít nhất trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Bước sang năm 2025, Chính phủ đặt các chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu bao gồm: tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%); GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%; tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoáng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 21 - 25/10
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 21 - 25/10, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên, chỉ giảm nhẹ phiên cuối tuần. Chốt ngày 25/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.255 VND/USD, tăng 42 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên. Giá bán USD 3 phiên đầu tuần được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, 2 phiên cuối tuần niêm yết chốt ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 21/10 - 25/10 tăng mạnh ở 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại sau đó. Kết thúc phiên 25/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.376, tăng 216 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do cũng tăng mạnh tuần qua. Chốt phiên 25/10, tỷ giá tự do tăng 440 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.700 VND/USD và 25.800 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần từ 21/10 - 25/10, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 25/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,92% (+1,19 điểm phần trăm); 1 tuần 4,03% (+1,07 điểm phần trăm); 2 tuần 4,22% (+0,98 điểm phần trăm); 1 tháng 4,30% (+0,63 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng trong tuần vẫn ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 25/10, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 4,83%; 1 tuần 4,88%; 2 tuần 4,92% và 1 tháng 4,94%.
Trên thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 17.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4,0%. Có 13.014,57 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kỳ hạn 14 ngày có 13.400 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất biến động từ 3,74% xuống 3,6%, phiên cuối tuần ở mức 3,7%; kỳ hạn 28 ngày có 41.250 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 4 phiên đầu tuần ở mức 4,0%, phiên cuối tuần giảm xuống mức 3,99%.
Như vậy, NHNN hút ròng 41.635,43 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 13.014,57 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 66.950 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu, ngày 23/10, Kho bạc nhà nước đấu thầu thành công 7.565 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 72%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 5.620 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu và 30 năm huy động được 445 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm gọi thầu 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở tất cả các kỳ hạn đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể kỳ hạn 5 năm là 1,89%, 10 năm là 2,66%và 30 năm là 3,10%.
Trong tuần này, ngày 30/10, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 11.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.089 tỷ đồng/phiên, tăng khá so với mức 11.203 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tăng ở các kỳ hạn 5 năm-15 năm trong khi giảm ở kỳ hạn 30 năm và đi ngang ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 25/10, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,85% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,86% (không đổi); 3 năm 1,88% (không đổi); 5 năm 1,91% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 2,20% (+0,04 điểm phần trăm); 10 năm 2,70% (+0,03 điểm phần trăm); 15 năm 2,89% (+0,03 điểm phần trăm); 30 năm 3,16% (-0,002 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán, tuần từ 21/10 - 25/10, thị trường chứng khoán khá tiêu cực, cả 3 chỉ số đều chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên 25/10, VN-Index đứng ở mức 1.252,72 điểm, giảm tới 32,74 điểm (-2,55%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 4,58 điểm (-2,0%) còn 224,63 điểm; UPCoM-Index lùi 0,88 điểm (-0,95%) về mức 91,82 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 16.100 tỷ đồng/phiên, giảm so nhẹ từ mức 16.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.900 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới năm 2025. Trong báo cáo công bố ngày 22/10, IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2%, giảm tốc nhẹ từ 3,3% của năm 2023 và không thay đổi so với dự báo hồi tháng 7. Trong đó, IMF nâng triển vọng tăng trưởng của Mỹ và Anh, đồng thời hạ triển vọng của khu vực Eurozone, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,8%; Eurozone tăng 0,8%; Nhật Bản tăng 0,3%; Anh tăng 1,1%, Trung Quốc tăng 4,8%.
Bước sang năm 2025, IMF dự báo kinh tế thế giới tiếp tục ảm đảm với sự giảm tốc tại Mỹ và Trung Quốc, phục hồi nhẹ đến từ Eurozone, Anh và Nhật. Mức tăng GDP chung vẫn ở 3,2%; trong đó Mỹ tăng trưởng 2,2% (+0,3 điểm phần trăm so dự báo trước), Eurozone tăng 1,2% (-0,3 điểm phần trăm); Nhật Bản tăng 1,1% (+0,1 điểm phần trăm); Anh tăng 1,5% (không đổi); Trung Quốc tăng 4,5% (không đổi, chưa tính đến tác động của những chính sách kích thích kinh tế gần đây).
Ngoài ra, đối với ASEAN-5 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, IMF dự báo nhóm này cùng tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 2025 (lần lượt +0,1 và -0,1 điểm phần trăm). Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu được dự báo tăng 5,8% trong năm nay, sau đó tiếp tục giảm tốc xuống còn 4,3% trong năm 2025. Cuối cùng, IMF cảnh báo xung đột địa chính trị và tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ tại một số quốc gia dù lạm phát hạ nhiệt sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và gây áp lực lên thị trường lao động.
Kinh tế Mỹ ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, S&P Global khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 47,8 điểm trong tháng 10, tăng lên từ 47,3 điểm của tháng 9 và đồng thời cao hơn mức 47,5 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ trong tháng này đạt 55,8 điểm, tăng nhẹ từ 55,2 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm nhẹ còn 55,0 điểm.
Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ giảm 0,8% so với tháng trước trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 0,8% của tháng trước đó và gần khớp với dự báo giảm 1,1%. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị đơn đặt hàng giảm khoảng 3,0% so với cùng kỳ.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 19/10 ở mức 227 nghìn đơn, giảm từ 242 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 243 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất là 238,5 nghìn, tăng 2 nghìn so với bình quân 4 tuần liền trước.
Về thị trường bất động sản, doanh số bán nhà cũ trong tháng 9 đạt 738 nghìn căn, cao hơn mức 709 nghìn căn của tháng 8, đồng thời vượt qua mức 719 nghìn căn theo kỳ vọng. Cuối cùng, Đại học Michigan công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đạt 70,5 điểm trong tháng 10, điều chỉnh lên nhẹ từ mức 68,9 điểm theo khảo sát sơ bộ, đồng thời cao hơn mức 69,2 điểm theo dự báo.