Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 29/5-2/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/5 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/6 |
Tổng quan
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu cải thiện từ tháng 4/2023 sau thời gian chững lại ở quý I.
Năm 2022, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được đánh giá là ổn định, dù trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cả năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD. Đáng chú ý, số vốn giải ngân đạt mức kỷ lục với hơn 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, sang năm 2023, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu suy yếu. FDI thực hiện cũng cho thấy sự suy yếu kể từ tháng 1/2023, mặc dù đã có dấu hiệu cải thiện từ tháng 4, tiếp tục cải thiện tích cực hơn trong tháng 5.
Cụ thể, số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước (tháng 4 giảm 17,9%).
Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ (mức tăng của 4 tháng là 11%); vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Ngành hoạt động tài chính-ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ xếp thứ 3 và 4, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỷ USD (giảm 61,3%) và gần 481 triệu USD (tăng 28,3%).
Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 66,4%). Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,5%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55,1%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 41,3%). Vốn giải ngân ước đạt 7,56 tỷ USD, chỉ còn giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 (tháng 4 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo ý kiến các chuyên gia, số dự án đầu tư mới 5 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ là do các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới; trái với sự cẩn trọng của các nhà đầu tư nước ngoài lớn về việc tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng.
Có thể thấy qua con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm, khó có thể đạt được dự báo từ đầu năm của Cục Đầu tư nước ngoài về việc năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36 - 38 tỷ USD vốn FDI, tăng khoảng 30 - 37% so với năm 2022.
Vì vậy, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu chững lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững; nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (ví dụ: Dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...).
Ngoài ra, theo đại diện Tổng cục Thống kê, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 29/5 - 2/6, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở các phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm 7 đồng. Chốt ngày 2/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.722 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.858 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng tiếp tục biến động tăng - giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 2/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.480 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do cũng chỉ biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 2/6, tỷ giá tự do tăng 25 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 25 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.450 VND/USD và 23.500 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 29/5 - 2/6, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng - giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 2/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,01% (-0,07 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 4,17% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 4,29% (-0,11 điểm phần trăm); 1 tháng 4,59% (-0,08 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng ít thay đổi. Phiên cuối tuần 2/6, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,84% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 4,91% (+0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,03% (+0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,17% (không thay đổi).
Thị trường mởl tuần từ 29/5 - 2/6, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4,5%. Có 420,65 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày; 293,83 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; có 547,61 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 24.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 24.966,87 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại tăng lên mức 1.648,71 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu NHNN giảm xuống mức 16.900 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 31/5, kho bạc nhà nước huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu chỉ đạt 619 tỷ đồng, tương đương 12%, giảm tương đối mạnh so với 4.809 tỷ đồng, tương đương 96% của tuần trước đó. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động được 219 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm là 300 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng và 15 năm là 100 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm 2,40% (-0,05 điểm phần trăm so với lần trúng thầu trước); 10 năm 2,95% (không thay đổi) và 15 năm 3,05% (không thay đổi).
Tuần vừa qua từ 29/5 - 2/6 không có trái phiếu chính phủ đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần này, ngày 7/6, Kho bạc Nhà nước dự định gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm cùng gọi 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.835 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 7.439 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 2/6, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,45% (-0,02 điểm phần trăm); 2 năm 2,46% (-0,02 điểm phần trăm); 3 năm 2,46% (-0,02 điểm phần trăm); 5 năm 2,38% (-0,14điểm phần trăm); 7 năm 2,69% (-0,13 điểm phần trăm); 10 năm 3,05% (-0,12 điểm phần trăm); 15 năm 3,23% (-0,06 điểm phần trăm); 30 năm 3,61% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán tuần từ 29/5 - 2/6 khởi sắc khi tăng điểm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 2/6, VN-Index đứng ở mức 1.090,84, tăng tích cực 27,08 điểm (+2,55%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 8,39 điểm (+3,85%) lên mức 226,03 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 3,38 điểm (+4,19%) đạt 83,96 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 17.400 tỷ đồng/phiên so với mức 13.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.100 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số chỉ báo đáng chú ý, đặc biệt trên thị trường lao động. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 46,9% trong tháng Năm, giảm nhẹ từ 47,1% của tháng trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 47,0%.
Tiếp theo, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 102,3 điểm trong tháng Năm, giảm so với mức 103,7 điểm của tháng Tư nhưng vẫn cao hơn mức 99,1 điểm theo dự báo của các chuyên gia.
Về thị trường lao động Mỹ, quốc gia này tạo ra 10,1 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng Tư, cao hơn so với mức 9,75 triệu của tháng trước đó và vượt nhiều so với kỳ vọng chỉ ở mức 9,41 triệu. Trong tháng Năm, thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng Tư và khớp với dự báo.
Cũng trong tháng Năm, Mỹ tạo ra 339 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, cao hơn mức 294 nghìn của tháng trước đó và đồng thời vượt mạnh mức 193 nghìn theo dự báo. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lại tăng khá mạnh lên 3,7% trong tháng vừa qua từ mức 3,4% của tháng Tư, vượt qua mức 3,5% theo dự báo.
Các thông tin tích cực và tiêu cực đan xen khiến cho thị trường liên tục thay đổi dự đoán về quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed trong cuộc họp ngày 14/6. Theo công cụ của CME, ở thời điểm hiện tại có 75% khả năng Fed sẽ không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp tới, và chỉ có 25% khả năng tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản.
Khu vực Eurozone ghi nhận các thông tin quan trọng, đặc biệt là áp lực lạm phát giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone lần lượt tăng 6,1% và 5,3% so với cùng kỳ trong tháng Năm, cùng hạ nhiệt so với mức 7,0% và 5,6% của tháng trước đó, đồng thời cùng thấp hơn mức 6,3% và 5,5% theo dự báo của các chuyên gia. Đây là tháng giảm tốc thứ 7 liên tiếp đối với CPI toàn phần và là tháng thứ hai liên tiếp đối với CPI lõi kể từ đỉnh.
Tiếp theo, PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone ở mức 44,8 điểm trong tháng Năm, điều chỉnh tăng nhẹ so với kết quả 44,6 điểm theo khảo sát sơ bộ.
Tại nước Đức, doanh số bán lẻ của thị trường này tăng 0,8% so với tháng trước trong tháng Tư sau khi giảm 1,3% ở tháng trước đó, gần khớp với kỳ vọng tăng 1,0%. Chỉ số giá nhập khẩu tại quốc gia này giảm mạnh 1,7% so với tháng trước trong tháng Tư, nối tiếp đà giảm 1,1% của tháng Ba, đồng thời sâu hơn mức giảm chỉ 0,6% theo dự báo.
Cuối cùng, CPI toàn phần tại Đức giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng Năm sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,2%. So với cùng kỳ năm 2022, CPI toàn phần của Đức tăng 6,1% so với cùng kỳ.