Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 5-9/6/2023
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/6 |
Tổng quan
Hết 5 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công mới đạt 22,22% kế hoạch, Chính phủ vẫn quyết tâm đến cuối năm con số này đạt tới trên 95%.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 3/6), Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo ước thanh toán giải ngân đầu tư công đến ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, chỉ đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), tuy nhiên số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng (35,5%).
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng; trong đó, đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 707.044,198 tỷ đồng, chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao toàn bộ kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng. Đến ngày 25/5/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết kế hoạch năm 2023 là 628.778,247 tỷ đồng, đạt 88,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 78.265,951 tỷ đồng (11,1% kế hoạch), bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 36.577,84 tỷ đồng (của 27/51 bộ, cơ quan trung ương và 42/63 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 41.688,111 tỷ đồng (của 16/63 địa phương).
Có thể thấy, sức ép giải ngân đầu tư công là khá lớn khi Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022; đồng thời, năm 2023 cũng là năm phải phấn đấu giải ngân nốt số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, lượng tiền phải giải ngân có thể gấp đôi năm 2022 nếu tính cả phần chuyển nguồn từ năm 2022 sang 2023.
Vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023; tập trung khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ triển khai dự án; kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ được lấy làm căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 vì lý do chủ quan.
Cả Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng như các chuyên gia kinh tế đều thống nhất ở điểm, chậm giải ngân đầu tư công là một nút thắt lớn trong nhiều năm, chưa thể xử lý được trong thời gian ngắn. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công được nhận diện có thể kể ra là: chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.
Chính phủ cũng đã quyết liệt trong việc thúc đẩy giải ngân. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng để đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công; các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương, cơ quan để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Có ý kiến nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ bứt phá trong nửa cuối năm nay. Các khó khăn, vướng mắc đã và đang được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ giải ngân đầu tư công trong năm nay.
Thứ nhất, nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua nhờ tăng trưởng GDP khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 51% GDP cuối năm 2016 xuống 40% GDP vào cuối năm 2022 (ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP, qua đó tạo dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ hai, lạm phát hạ nhiệt trong vài tháng vừa qua; CPI tháng 5/2023 chỉ tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ ba, Chính phủ chỉ đạo sát sao đến từng dự án. Đơn cử, Chính phủ yêu cầu đến cuối tháng 6 sẽ khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, bao gồm 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM. Các dự án này được khởi công sẽ làm tăng tích cực con số giải ngân đầu tư công của năm 2023.
Đối với các dự án đang triển khai, Chính phủ yêu cầu nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp”, giải quyết các vướng mắc về vấn đề khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, khẩn trương giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù, bố trí tạm cư cho người dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư…, để thực hiện dự án đúng tiến độ, giải ngân kịp thời.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 5-9/6, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng giảm nhẹ luân phiên. Chốt ngày 9/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.717 VND/USD, giảm nhẹ 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.852 VND/USD, tăng 2 đồng so với phiên trước đó.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng cũng biến động tăng - giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 9/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.474 VND/USD, giảm nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do cũng chỉ biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 9/6, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.470 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 5-9/6, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 9/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 2,67% (-1,34 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 2,90% (-1,27 điểm phần trăm); 2 tuần 3,18% (-1,11 điểm phần trăm); 1 tháng 4,05% (-0,54 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng ít thay đổi. Phiên cuối tuần 9/6, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,83% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,90% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,00% (-0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,17% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 5-9/6, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4,5%, tuy nhiên đều không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng đáo hạn trong tuần là 1.354,88 tỷ đồng. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 16.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 15.545,12 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại giảm xuống còn 293,83 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.
Trên thị trường trái phiếu, ngày 7/6, Kho bạc Nhà nước huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bao gồm 3 loại kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm, mỗi loại 1.000 tỷ đồng. Khối lượng trúng thầu chỉ đạt 2.000 tỷ đồng, tương đương 67%. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm không có khối lượng trúng thầu, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đều trúng thầu toàn bộ khối lượng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 2,95% và 15 năm 3,05% (không thay đổi so với lần trúng thầu trước).
Tuần vừa qua từ 5-9/6 không có trái phiếu chính phủ đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần này, ngày 14/6, Kho bạc Nhà nước dự định gọi thầu 3.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, 10 năm 1.000 tỷ đồng, 15 năm 1.500 tỷ đồng và 20 năm gọi 5.00 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.505 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 4.835 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 9/6, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,41% (-0,05 điểm phần trăm); 2 năm 2,41% (-0,05 điểm phần trăm); 3 năm 2,42% (-0,05 điểm phần trăm); 5 năm 2,22% (-0,16 điểm phần trăm); 7 năm 2,64% (-0,05 điểm phần trăm); 10 năm 3,04% (-0,01 điểm phần trăm); 15 năm 3,24% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,57% (-0,05 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 5-9/6, thị trường chứng khoán khởi sắc khi tăng điểm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 9/6, VN-Index đứng ở mức 1.107,53, tăng tích cực 16,69 điểm (+1,53%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 1,57 điểm (+0,69%) lên mức 227,60 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,23 điểm (+0,27%) đạt 84,19 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 20.200 tỷ đồng/phiên so với mức 17.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023. Trong báo cáo công bố giữa tuần qua, WB dự báo kinh tế thế giới năm nay tăng 2,1% (+0,4 điểm phần trăm so dự báo tháng 1). Nguyên nhân điều chỉnh do các hoạt động kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc trong quý đầu năm tích cực hơn so với kỳ vọng tại thời điểm dự báo.
Trong các nền kinh tế phát triển, GDP Mỹ được dự báo tăng 0,7% (+0,2 điểm phần trăm), khu vực Eurozone tăng 1,1% (+0,6 điểm phần trăm) và Nhật Bản tăng 0,8% (-0,2 điểm phần trăm). Trong nhóm nước đang phát triển, Trung Quốc được dự báo tăng 5,6% trong năm nay (+1,3 điểm phần trăm), Ấn Độ tăng 6,3% (-0,3 điểm phần trăm), Indonesia tăng 4,9% (+0,1 điểm phần trăm) và Thái Lan tăng 3,9% (+0,3 điểm phần trăm). Sang năm 2024, GDP toàn cầu được WB dự báo chỉ tăng 2,4% (-0,3 điểm phần trăm).
Tổ chức này cho rằng nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ, đang chịu áp lực cộng dồn bởi đại dịch, xung đột tại Ukraine, lạm phát và lãi suất cao kéo dài hơn dự tính.
Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) khảo sát PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 50,3% trong tháng Năm, giảm từ 51,9% của tháng trước đó và trái với kỳ vọng tăng lên mức 52,6%. Đây là mức PMI dịch vụ thấp nhất tại Mỹ kể từ tháng 1/2023.
Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng Tư, nối tiếp đà tăng 0,6% của tháng trước đó và thấp hơn mức tăng 0,8% theo dự báo. Về thương mại, cán cân xuất nhập khẩu của nước Mỹ thâm hụt 74,6 tỷ USD trong tháng 4, sâu hơn mức thâm hụt 60,6 tỷ USD của tháng trước đó và gần khớp với dự báo thâm hụt 75,8 tỷ USD.
Cuối cùng, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 3/6 ở mức 261 nghìn đơn, tăng khá mạnh từ mức 233 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt nhiều so với mức 236 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 237,3 nghìn đơn, tăng 7,5 nghìn so với 4 tuần trước đó.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin về chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng Năm, công bố ngày 13/6. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có cuộc họp hai ngày 13-14/6, kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 15/6 theo giờ Việt Nam.
Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) đã tăng lãi suất chính sách trong tuần vừa qua, đồng thời quốc gia này cũng đón kết quả kinh tế quý đầu năm. Ngày 6/6, RBA nhận định lạm phát tại Úc đã qua vùng đỉnh, nhưng mức 7% so với cùng kỳ vẫn là quá cao và cần thời gian để điều chỉnh. RBA ưu tiên mục tiêu hàng đầu là đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0-3,0%, đồng thời vẫn giữ cho nền kinh tế Úc phát triển.
Theo đó, RBA quyết định tăng lãi suất chính sách từ mức 3,85% lên mức 4,1%. RBA cho biết có thể cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trong khung thời gian hợp lý, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào diễn biến kinh tế và lạm phát trong thời gian tới.
Liên quan đến kinh tế Úc, GDP của nước này tăng nhẹ 0,2% so với quý trước trong quý đầu năm, thấp hơn mức tăng 0,6% của quý trước đó đồng thời thấp hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, GDP quý vừa qua tăng 2,3% so với cùng kỳ.