Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 5-9/8
[Infographic] Xuất, nhập khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 7/2024 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/8 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Sau 7 tháng năm 2024, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế.
Số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng năm 2024 Việt Nam khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, trong tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 70,12 tỷ USD, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 440,46 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,0%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,52 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế 7 tháng đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 36,24 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,04 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,20 tỷ USD, tăng 6,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước tính tăng tới 20,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 16,7%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 64,28 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,21 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm 71,8%. Trong 7 tháng đầu năm 2024, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 11 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8%).
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước, như: Cà phê tăng 33,5%; gạo tăng 27,7%; chè các loại tăng 33,5%; rau quả tăng 25,9%; nhân điều tăng 22,6%; hạt tiêu tăng 40,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 10,6%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo 7 tháng ước đạt trên 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 29,1%; sản phẩm chất dẻo tăng 31,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 20,5%; đặc biệt các mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp trong nước như gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,5%; sắt thép các loại tăng 11,1%; hàng dệt, may mặc tăng 5,9%; giầy dép các loại tăng 10,5%.
Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường đối tác thương mại lớn của nước ta trong 7 tháng đầu năm 2024 đều phục hồi tốt và đạt tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 32,57 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,48 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,73 tỷ USD, tăng 2,8%.
Về triển vọng, các chuyên gia đều cùng chung nhận định, thương mại hàng hóa các tháng còn lại trong năm 2024 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ đầu năm. Bộ Thương mại đưa ra con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,28%; nhập khẩu tăng 16,95%. Tổng cục Hải quan kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới, chạm mốc 800 tỷ USD khi năm 2024 kết thúc, trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2024 vượt mốc hơn 400 tỷ USD.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 5-9/8
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 5-9/8, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 9/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.260 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 5-9/8 tăng - giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 9/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.105 VND/USD, giảm mạnh 108 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do biến động tăng đầu tuần nhưng giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 9/8, tỷ giá tự do giảm 25 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.575 VND/USD và 25.655 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 5-9/8, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục biến động theo xu hướng giảm với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 9/8, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,40% (-0,37 điểm phần trăm); 1 tuần 4,53% (-0,30 điểm phần trăm); 2 tuần 4,65% (-0,23 điểm phần trăm); 1 tháng 4,80% (-0,20 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 9/8, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,30% (không thay đổi); 1 tuần 5,35% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,40% (không thay đổi) và 1 tháng 5,43% (-0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 63.000 tỷ đồng, lãi suất giảm xuống mức 4,25%. Có 56.617,56 tỷ đồng trúng thầu, có 23.965,73 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 35.749,5 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giảm xuống mức 4,25%; có 16.200 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 13.102,33 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 56.617,56 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 97.049,5 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 7/8, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công 10.423 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 83%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 520 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 5.950 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu, 15 năm huy động được 3.953 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,95% (+0,10 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,71% (-0,05 điểm phần trăm), 30 năm là 2,90% (-0,05 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 14/8, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 6.000 tỷ đồng, 15 năm 4.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua đi ngang ở các kỳ hạn 1 năm đến 3 năm trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 09/08, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,88% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,89% (không đổi); 3 năm 1,91% (không đổi); 5 năm 1,98% (-0,001 điểm phần trăm); 7 năm 2,25% (-0,05 điểm phần trăm); 10 năm 2,74% (-0,05 điểm phần trăm); 15 năm 2,92% (-0,04 điểm phần trăm); 30 năm 3,19% (-0,004 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong tuần từ 5-9/8, các chỉ số giảm mạnh phiên đầu tuần, tuy đã hồi phục vài phiên sau đó nhưng vẫn chốt tuần trong sắc đỏ. Kết thúc phiên 9/8, VN-Index đứng ở mức 1.223,64 điểm, giảm 12,96 điểm (-1,05%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 2,18 điểm (-0,94%) còn 229,38 điểm; UPCoM-Index giảm 0,97 điểm (-1,03%) về mức 92,80 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 15.700 tỷ đồng/phiên, giảm từ mức 18.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng gần 50 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ đón nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần qua. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất ở mức 51,4% trong tháng 7, tăng lên từ mức 48,8% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn dự báo ở 51,1%.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 3/8 ở mức 233 nghìn đơn, thấp hơn so với mức 250 nghìn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 241 nghìn của thị trường. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 240,75 nghìn đơn, tăng 2,5 nghìn đơn so với trung bình 4 tuần trước đó.
Về lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 6 đạt mức 265,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tăng nhẹ 0,6% so với tháng trước lên mức 339 tỷ USD.
Như vậy, cán cân thương mại tại Mỹ ghi nhận mức thâm hụt 73,1 tỷ USD trong tháng 6, nhỏ hơn mức thâm hụt 75 tỷ USD của tháng trước đó và vẫn lớn hơn so với dự báo thâm hụt 72,5 tỷ USD.
Trong tuần này, thế giới chờ đón các chỉ báo kinh tế quan trọng tiếp theo của Mỹ, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7, được công bố vào tối 14/8 theo giờ Việt Nam. CPI toàn phần được dự báo tăng 0,2% so với tháng trước và 3,0% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua.
Ngân hàng trung ương Úc (RBA) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp đầu tháng 8. Trong phiên họp tuần qua, RBA cho rằng triển vọng kinh tế thế giới vẫn bất ổn theo diễn biến địa chính trị; kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, cũng bớt sôi động; thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh trong thời gian gần đây.
Về tình hình quốc nội, lạm phát của Úc mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn cao trên mức mục tiêu 2-3% của ngân hàng này, đồng thời cho thấy vẫn còn dai dẳng trong trung hạn. Lạm phát được dự báo sẽ hạ xuống mức mục tiêu vào khoảng cuối 2025.
Trong khi đó, các động lực tăng trưởng kinh tế vẫn còn yếu, khiến tăng trưởng GDP thấp và tỷ lệ thất nghiệp tăng, đồng thời tiêu dùng hộ gia đình tăng chậm hơn dự báo trước đó. RBA khẳng định ưu tiên mục tiêu đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2-3% trong thời gian phù hợp, theo đó cơ quan này giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao 4,35%, không thay đổi kể từ tháng 11/2023 cho tới nay. RBA sẽ tiếp tục dựa trên các dữ liệu về lạm phát và triển vọng kinh tế để đưa ra các quyết định trong tương lai.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin về thị trường lao động Úc, bao gồm tăng trưởng tiền lương trong quý II, tăng trưởng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7.