Điểm sáng phục hồi tăng trưởng
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và liên kết chuỗi giá trị Đà Nẵng thành lập Tổ công tác xúc tiến hợp tác với Hoa Kỳ |
Trong đó, Đà Nẵng cấp mới 27 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký hơn 22 triệu USD, thu ngân sách đạt 70% dự toán được giao. Ấn tượng nhất, trong quý II/2024, GRDP của Đà Nẵng tăng đến 8,35%. Đây là kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay, với mức này, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của Đà Nẵng tăng cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024.
Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, tăng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.
Có được kết quả tích cực đó, những tháng đầu năm 2024, chính quyền Đà Nẵng nỗ lực triển khai nhiều chương trình, chính sách để tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, thủ tục đầu tư, nghĩa vụ tài chính... của các dự án để đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm khơi thông các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh; tập trung các giải pháp để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trong nước vào các lĩnh vực sản xuất, các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Nhờ vậy, thu ngân sách trên địa bàn đã có những tín hiệu lạc quan, thu nội địa đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ; công tác chống thất thu ngân sách đã được triển khai và thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Đà Nẵng tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, các “điểm nghẽn”, tăng cường đầu tư công qua các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng |
Những kết quả trên là minh chứng cụ thể cho thấy sự hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố, triển khai thực hiện của các ngành, địa phương về thực hiện chủ đề năm 2024 “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, trong 6 tháng cuối năm 2024, nền kinh tế địa phương vẫn phải đối mặt với một số hạn chế, khó khăn xuất phát từ nội tại. Có thể nói, đây là những khó khăn không nhỏ mà chính quyền thành phố cần tiếp tục có những giải pháp để hoá giải.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND Đà Nẵng chia sẻ, trong những tháng còn lại của năm 2024, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, các “điểm nghẽn”, tăng cường đầu tư công qua các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật để từ đó thúc đẩy, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đi cùng với đó đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống người dân thành phố.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy, tạo sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư hội tụ về Đà Nẵng.
Ông Minh tin tưởng, với những gì chính quyền và người dân Đà Nẵng làm được trong thời gian khó khăn vừa qua, hy vọng trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế và tạo sự bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mới đây, tại buổi làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chỉ đạo, yêu cầu ngành Ngân hàng Đà Nẵng tiếp tục vào cuộc với tinh thần mạnh dạn, quyết liệt nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Đặc biệt, cấp tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế ở Đà Nẵng. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Phó Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD đến công chúng... Qua đó, giúp khách hàng, doanh nghiệp có đầy đủ thông tin để tiếp cận vốn vay, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.