Điện toán đám mây “tiếp sức” cho ngân hàng chuyển đổi số
Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, điện toán đám mây sẽ là một trong những xu thế phát triển mạnh tại Việt Nam năm 2023. Nhiều tổ chức nghiên cứu cũng đã đưa ra dự báo về mức độ tăng trưởng của thị trường đám mây Việt Nam có thể đạt mức 26%/năm - chỉ số cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Tại Việt Nam, ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Theo quyết định phê duyệt "Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030" đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 100%. Để triển khai chiến lược này, tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2020/TT-NHNN, cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng, cấp độ 3, 4, 5 lên cloud nếu đảm bảo những quy định an toàn. Đây là Thông tư có tính bước ngoặt trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Ông Peter Murray, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á tại AWS chia sẻ tại sự kiện AWS Cloud Day |
Chia sẻ trong sự kiện Ngày Công nghệ điện toán đám mây (AWS Vietnam Cloud Day) mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nếu trước đây, nhiều ngân hàng cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên, thì nay các ngân hàng đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, công nghệ này đã và đang được khai thác phục vụ cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới...
Là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ điện toán đám mây, ông Peter Murray, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á tại AWS chia sẻ, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một thị trường chủ đạo trong quá trình phát triển của AWS. Tại Việt Nam, với ngân hàng truyền thống, chúng tôi đã làm việc với khách hàng quan trọng từ năm 2021 là Techcombank, sau đó là VPBank nhằm mục tiêu hiện đại hóa cũng như chuyển đổi số ngân hàng.
Bên cạnh đó, AWS cũng hỗ trợ ngân hàng số thuần đám mây là TNEX, Timo, hỗ trợ họ trong cung cấp các dịch vụ để phát triển cho đối tượng khách hàng chưa sử dụng ngân hàng hay ít sử dụng dịch vụ ngân hàng, những người trẻ, những người thực tế như thế hệ gen Z.
Để hỗ trợ cho các ngân hàng và công ty trong lĩnh vực tài chính, hiện AWS cung cấp khoảng 200 các dịch vụ cho các công ty trên dịch vụ đám mây của Amazon Web Services. Với dịch vụ này, các khách hàng của AWS có thể bắt đầu các dịch vụ ban đầu giải quyết các vấn đề theo phương thức work backward. Các khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt có thể bắt đầu các dịch vụ của AWS để xây dựng các kiến trúc thanh toán không dùng tiền mặt, ví dụ như dịch vụ điện toán đám mây bảo mật và linh hoạt EC2. Tất cả cái đó sẽ được sắp xếp và lắp ghép lại giống như khối lego tạo 1 nền tảng để các khách hàng của AWS có thể xây dựng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, giúp giải quyết các vấn đề của khách hàng.
Một trong những trung gian thanh toán mới nổi trên thị trường Việt Nam đã “chứng minh” cho thấy việc ứng dụng điện toán đám mây của AWS mang lại hiệu quả rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Trọng Phú, Tổng Giám Đốc công ty SmartPay chia sẻ, sau khi ứng dụng các giải pháp công nghệ của AWS, những trải nghiệm người dùng trên các dịch vụ của SmartPay rất tốt vì trên mỗi tác vụ của người dùng chỉ mất 2 giây để phản hồi lại. Không chỉ trải nghiệm người dùng tốt mà hệ thống hoạt động khá ổn định. Bộ phận công nghệ - thông tin cũng không tăng quá nhiều nhân sự, giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Khởi đầu, SmartPay triển khai dịch vụ thanh toán QR, giúp cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ chấp nhận mọi hình thức thanh toán của người dùng từ tất cả các ngân hàng, ví điện tử và cả chính SmartPay.
Bà Nguyễn Thị Trọng Phú, Tổng Giám Đốc công ty SmartPay chia sẻ tại sự kiện công nghệ AWS Cloud Day |
“Tiếp theo chúng tôi triển khai máy SmartPOS, giải pháp không chỉ cho phép những nhà bán hàng nhỏ lẻ chấp nhận mọi hình thanh toán như QR, thẻ tín dụng mà còn đem đến các giải pháp tài chính cho khách hàng như trả góp, giúp các đối tác đẩy mạnh hình thức “mua trước, trả sau cho khách hàng” để tăng lượng doanh thu”, bà Phú chia sẻ.
Hiện nay, hệ thống thanh toán của SmartPay đã phục vụ cho hơn 700 nghìn doanh nghiệp nhỏ, đại lý, cửa hàng, tiểu thương và mong muốn trong khoảng 3 năm tiếp theo sẽ cung cấp khoảng 300 nghìn máy SmartPOS ra thị trường. Trước mắt, trong vài tháng tới SmartPay cung cấp miễn phí ra thị trường khoảng 50 nghìn thiết bị Sounbox - tích hợp với QR thông báo giao dịch thành công cho chủ cửa hàng giúp “phủ sóng” hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt.
Cũng theo tiết lộ của Tổng Giám đốc SmartPay, trong vòng 3-5 năm tới, SmartPay định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu và có ảnh hưởng đến phân khúc các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bằng những dịch vụ liên quan tới chấp nhận thanh toán và những dịch vụ về tài chính với mong muốn phục vụ khoảng 30% thị phần của phân khúc doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tương đương với khoảng 1,3 triệu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ và giải pháp công nghệ của SmartPay.