Điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Sân bay Long Thành trong tương lai |
Thẩm tra sơ bộ về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng việc xem xét điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng theo quy định tại Điều 35 và khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh các nội dung của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, do nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án làm thay đổi nội dung tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 53/2017/QH14 nên việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án là cần thiết; đề nghị cân nhắc việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không cần ban hành một Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Về sự phù hợp của các nội dung điều chỉnh với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; với chủ trương đầu tư dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ: làm rõ sự phù hợp của các nội dung điều chỉnh với chủ trương đầu tư Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như tác động và ảnh hưởng của việc điều chỉnh đến Dự án; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc điều chỉnh các nội dung trên khác với nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong khi chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chậm trễ trong việc đề nghị điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội.
Đối với các nội dung cụ thể như điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, điều chỉnh lại số liệu cho phù hợp, bảo đảm tính chính xác và tính thống nhất của các số liệu giữa các tài liệu trong Hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng công tác lập dự toán ngân sách và rà soát nội dung của dự án thành phần chưa sát với thực tiễn, có sự điều chỉnh vốn đầu tư tương đối nhiều (giảm trên 15% so với tổng mức đầu tư ban đầu, trong đó có 3 hạng mục đề nghị điều chỉnh tăng); các căn cứ lập tổng mức đầu tư điều chỉnh và lý do điều chỉnh còn chung chung, mang tính định tính, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, cung cấp thêm thông tin, số liệu về điều chỉnh tổng mức đầu tư để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, khả thi, tránh việc phải tiếp tục điều chỉnh.
Đối với việc điều chỉnh diện tích đất thu hồi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát, đánh giá rõ việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn có đáp ứng đồng bộ với việc bổ sung tăng quy mô số lô tái định cư nhằm đáp ứng nhu cầu và ổn định cuộc sống của người dân theo yêu cầu tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 và khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 38/2017/QH14.
Đề nghị bổ sung đánh giá tác động đối với việc bổ sung diện tích thu hồi tuyến thoát nước và chi phí phát sinh liên quan; đề nghị bổ sung cụ thể hơn về lý do điều chỉnh tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 32,65 ha; đề nghị đánh giá, làm rõ hơn về các công tác chuẩn bị thực hiện dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 trước khi tạm ngưng triển khai như công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí liên quan.
Đề nghị đánh giá tác động cũng như làm rõ cơ sở pháp lý đối với việc sử dụng ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng Phân khu III - Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn và giao cho địa phương quản lý, sử dụng diện tích đất đã thu hồi theo đúng mục đích thu hồi của Dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 hoặc bố trí sử dụng vào mục đích khác của Dự án trong dài hạn nhằm phục vụ phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống của người dân tái định cư và nguồn kinh phí vẫn lấy từ nguồn ngân sách trung ương đã bố trí; trường hợp thực sự không sử dụng đến mới xem xét giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng. Việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng tái lấn chiếm và lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án nhằm hoàn thành công tác thu hồi đất cho Dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1. Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của Dự án từ năm 2021-2023 trong bối cảnh niên độ Dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân thì có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo các Nghị quyết của địa phương.
Đề nghị bổ sung đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án, do đó, đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và báo cáo Quốc hội về nội dung này.
Đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không. Việc Chính phủ kiến nghị “cho phép UBND tỉnh Đồng Nai kéo dài thời gian giải ngân với số vốn 2.510,372 tỷ đồng” là không khả thi, không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát lại nội dung này để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định.
Đối với việc bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng tại Tờ trình và Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh Dự án chưa làm rõ về sự cần thiết và đánh giá tác động đối với việc đầu tư xây dựng 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 và cũng chưa nêu được lý do về việc phát sinh tăng 1.549 hộ phụ so với quy hoạch được duyệt; đề nghị đánh giá lại năng lực khảo sát, quy hoạch của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đề nghị đánh giá tác động, bổ sung kết quả khảo sát, lấy ý kiến người dân để làm căn cứ giải quyết các vấn đề nảy sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hạn chế xảy ra tình trạng khiếu kiện, tránh tình trạng lợi dụng việc bố trí tái định cư để trục lợi chính sách.
Có ý kiến cho rằng tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 không có nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 nên không phải điều chỉnh Nghị quyết số 53/2017/QH14 về nội dung này. Việc bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc thẩm quyền của Chính phủ.