Điều chỉnh mức thuế BVMT với xăng là chưa thuyết phục
Tờ trình của Chính phủ lý giải về việc điều chỉnh này là, mức thuế BVMT đối với xăng dầu đã bằng mức tối đa trong khung thuế hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế.
Chưa có đánh giá tác động trong trường hợp điều chỉnh lên mức trần đối với xăng, dầu |
Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ là khó có thể thực hiện được, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo cam kết quốc tế và giá dầu trên thị trường thế giới biến động bất thường, khó lường.
Trên cơ sở tính toán các yếu tố như: việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do); chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động bất thường, khó lường; xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường; tỷ lệ thuế, gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước.
Theo đó, tại dự thảo luật đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu như sau: mức thuế tối thiểu điều chỉnh tăng bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng; mức thuế tối đa điều chỉnh tăng bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (trong đó xăng điều chỉnh từ 1.000-4.000 đồng/lít lên từ 3.000-8.000 đồng/lít). Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành (300-2.000 đồng/lít) vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Về hiệu lực thi hành, để phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; đảm bảo thực hiện mục tiêu và giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án luật tại 01 (một) kỳ họp (kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017). Theo đó, đề nghị hiệu lực thi hành của dự án luật từ ngày 1/7/2018.
Thẩm tra dự án luật này, Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, việc so sánh về tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam với một số nước đang ở mức thấp (mức 37,49% đối với xăng, chưa cộng với mức trích quỹ bình ổn giá) như Tờ trình của Chính phủ để làm căn cứ điều chỉnh mức thuế BVMT là chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân Việt Nam (thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới), dẫn đến chi phí cho xăng, dầu so với thu nhập của người dân Việt Nam chiếm tỷ trọng rất cao.
Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu và số giảm thu NSNN từ xăng, dầu theo lộ trình cắt giảm này; chưa có đánh giá tác động trong trường hợp điều chỉnh lên mức trần đối với xăng, dầu sẽ góp phần tăng thu NSNN bao nhiêu, tác động như thế nào đến sản xuất trong nước và đời sống của người dân, cũng như tăng trưởng kinh tế; chưa làm rõ cơ sở khoa học về mặt định lượng, các số liệu phân tích, chứng minh việc nâng mức trần khung đối với xăng, dầu trong khung thuế hiện hành, mà đề xuất cơ sở tăng thuế theo định tính là chưa thực sự thuyết phục.
Người đứng đầu Ủy ban này cũng cho rằng, xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu cho toàn xã hội, là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất, đời sống của người dân và mức thuế cụ thể đối với xăng, dầu hiện nay vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần đã được quy định tại luật hiện hành. Trong khi thông điệp của Chính phủ là tạo điều kiện, tăng tính cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng lại đề nghị điều chỉnh chính sách thuế một cách đột ngột như Dự thảo Tờ trình là chưa thực sự phù hợp.
Ngoài ra, theo đánh giá của một số chuyên gia, đốt than gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng vượt bậc so với đốt xăng dầu. Tuy nhiên, so sánh giữa tác động môi trường của xăng dầu và than đá với khung mức thuế BVMT đối với các nhiên liệu này, thì Luật Thuế BVMT hiện hành và Dự thảo sửa đổi Luật đã và đang tạo ra sự chênh lệch lớn rất không hợp lý, có thể là nguyên nhân khiến cho đầu tư phát triển các ngành công nghiệp nặng sử dụng rộng rãi than đá, có nguy cơ ô nhiễm cao như sản xuất điện năng (nhà máy nhiệt điện than), công nghiệp luyện thép, xi măng, hóa chất... tăng cao trong thời gian qua.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu tăng trần thuế suất đối với than lên mức tương ứng với tỷ lệ tăng đối với xăng dầu và phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường do than gây ra.
Về hiệu lực thi hành của dự án Luật, Uỷ ban TCNS đề nghị cần thiết phải được Quốc hội xem xét, thông qua tại hai kỳ họp, theo đó đề nghị thời điểm luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thay vì từ ngày 1/7/2018 như đề nghị của Chính phủ.