Điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% là hướng đi đúng đắn
Một trong những chính sách tín dụng được nhiều doanh nghiệp mong chờ là gói hỗ trợ lãi suất 2% giúp họ tiết giảm chi phí để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo khảo sát tại báo cáo PCI 2022 được công bố mới đây, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay ưu đãi.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, điều kiện cho vay là một trong những rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%; đặc biệt là tiêu chí “có khả năng phục hồi”. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù họ có khả năng trả nợ nhưng cũng không chắc chắn mình đáp ứng tiêu chí này hay không.
Thực tế, để có thể đáp ứng tiêu chí chỉ số như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận... hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần có sự ủng hộ tích cực của môi trường kinh doanh. Trong khi hiện tại kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn, thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ. Do đó có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất này.
Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận, cả NHTM và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là “có khả năng phục hồi” nên không dám tiếp cận chương trình. Những e ngại của cộng đồng doanh nghiệp khiến kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như kỳ vọng. Đến nay, số tiền hỗ trợ lãi suất mới đạt 330 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Trước đề xuất điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% của NHNN, các chuyên gia kinh tế đều nhận định đây là hướng đi đúng đắn, cần thực hiện càng sớm càng tốt, vì thời hạn của gói hỗ trợ này chỉ đến hết năm 2023. Nếu để gói ưu đãi chậm giải ngân sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
GS.TS Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, rõ ràng thực tế, dù từ phía các NHTM đã rất nỗ lực, tích cực nhưng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đang không hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không mặn mà tiếp cận vì gặp nhiều rào cản, vướng mắc, lo ngại khâu hậu kiểm. Chính vì vậy, cần chuyển đổi gói hỗ trợ, để nguồn lực này cho một chương trình khác, vẫn mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp hay dành nguồn lực cho thúc đẩy đầu tư công.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 31 mất nhiều thời gian, trong khi doanh nghiệp lại rất cần được hỗ trợ. Do đó, nên điều chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2%/năm chưa giải ngân được sang gói hỗ trợ khác. Ví dụ dùng nguồn vốn này hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… cho các doanh nghiệp trong lúc họ đang gặp khó khăn như hiện nay.
Chuyên gia cũng kiến nghị NHNN có thể đề xuất hỗ trợ đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất theo chương trình giải quyết việc làm tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Thực tế, đây là chương trình đang được triển khai rất hiệu quả, vốn sử dụng rất thiết thực mà lại thiếu. Hiện mỗi hộ chỉ được vay tối đa 100 triệu đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, có thể linh hoạt điều chỉnh đối tượng thụ hưởng chính sách.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam đề xuất, chuyển nguồn lực của gói hỗ trợ lãi suất 2% sang hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bởi theo số liệu công bố mới đây, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội.
Rất nhiều đề nghị được đưa ra, tuy nhiên các chuyên gia đều nhấn mạnh, dù chuyển sang bất kỳ chương trình hỗ trợ nào thì bài toán lớn nhất vẫn là một cơ chế tốt, thông thoáng, điều kiện thủ tục thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách nhanh nhất.