Điều hành chính sách tiền tệ góp phần an dân
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã nhận định như vậy khi nhìn lại năm 2021 đầy biến động đối với nền kinh tế Việt Nam do chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid.
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia |
Theo ông, đâu là điểm nhấn trong điều hành CSTT của NHNN trong năm qua?
Có thể nói trong bối cảnh kinh tế suy giảm nghiêm trọng, dịch bệnh tàn phá khủng khiếp, nhưng NHNN đã duy trì CSTT ổn định góp phần đắc lực ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tích cực tham gia cuộc chiến chống đại dịch, góp phần an lòng dân. Theo đó, NHNN có hành động chính sách kịp thời, sát diễn biến thị trường trong hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Chính sách nổi bật là NHNN đã sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng nợ nần, cầm cự trong giai đoạn khó khăn. Ngay sau dịch bệnh dần kiểm soát, khi các cơ hội sản xuất kinh doanh dần mở ra, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ các NHTM giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế. Việc hạ lãi suất chung cũng như tiếp tục gia tăng các gói tín dụng hỗ trợ của NHTM có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình dần hồi phục và có thể tạo sức bật cho nền kinh tế.
Sự điều hành đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ CSTT cũng đã tạo điều kiện cho các NHTM duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản vững chắc hơn. Trước đây, khi thị trường biến động, các NHTM thường gặp khó khăn nhất định trong thanh khoản, nhưng trong hai năm qua, trạng thái thanh khoản được cải thiện rõ rệt, khả năng thanh toán ngắn, dài hạn đều tốt.
Tiếp đà những năm trước, năm 2021, NHNN điều hành tỷ giá tương đối ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường và các cân đối vĩ mô. Dự trữ ngoại hối hiện hơn 100 tỷ USD – mức cao kỷ lục cùng với cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư sẽ củng cố giá trị đồng VND. Sự tin tưởng giá trị đồng VND được gia tăng là lực hút dòng kiều hối chảy về Việt Nam tiếp tục tăng. Theo công bố của NHNN kiều hối năm 2021 khoảng 12,5 tỷ tăng 10% so với 2020. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư.
Ngoài thành công trong điều hành CSTT, năm 2021, hoạt động ngân hàng còn có những điểm tích cực. Đó là tốc độ số hoá trong hoạt động ngân hàng tương đối nhanh. Một số ngân hàng đã hoàn chỉnh được hệ sinh thái số, không chỉ tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống tiền gửi, thanh toán mà còn đa dạng nhiều lĩnh vực khác như cho vay, mua bán, đặt hàng… Đây là bước tiến rất quan trọng giúp ngân hàng giữ chân khách hàng, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững từ mảng ngân hàng số. Một số hoạt động tích cực khác của NHNN như thanh tra giám sát cũng được duy trì thường xuyên, đặc biệt tập trung giám sát tăng trưởng tín dụng, giám sát về nợ xấu, tuân thủ chuẩn mực Basel...
Các ngân hàng tích cực miễn giảm lãi suất, phí dịch vụ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Bước sang năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế trông chờ sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía ngành Ngân hàng. Liệu có tạo sức ép lớn cho hoạt động ngân hàng, thưa ông?
Điều doanh nghiệp, người dân cần thời điểm hiện tại là một gói kích thích đủ lớn để tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế, khoảng 10% GDP, tập trung trong ngắn hạn, đặc biệt ưu tiên phục hồi thị trường lao động, đẩy mạnh sản xuất.
Tuy nhiên theo tôi, Chính phủ cần cân nhắc hạn chế việc tham gia của các ngân hàng vào những chính sách có tính chất kích thích nền kinh tế như giảm lãi suất, giãn hoãn nợ… Bởi điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các NHTM trong cả ngắn, trung và dài hạn. Hiện tại, nếu nhìn bề nổi có thể thấy trong năm 2021 lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng trưởng tích cực. Song kết quả này có được một phần nhờ chính sách cho phép giãn hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ vay giúp hàng loạt nợ xấu trở thành “không xấu”. Tuy nhiên, sau thời gian cơ cấu, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng mạnh. Hơn thế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, có trách nhiệm lớn lao đảm bảo uy tín với người gửi tiền, với cổ đông, nhà đầu tư.
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể trông chờ vào CSTT và tài khóa, sự phối hợp khéo léo giữa hai chính sách này. Còn trong trường hợp ngân hàng phải tham gia sâu hơn vào gói hỗ trợ này, cần phải đảm bảo một số nguyên tắc để tránh đi vào vết xe đổ của gói kích thích kinh tế năm 2009. Đó là các doanh nghiệp được vay vốn theo các chuẩn mực tín dụng hiện hành, lãi suất thị trường. Việc hỗ trợ lãi suất sẽ được thực hiện giữa doanh nghiệp và cơ quan tài chính thông qua chính sách thuế.
Tôi cũng lưu ý, gói hỗ trợ tín dụng này phải được thiết kế thận trọng, nằm trong tính toán hạn mức tín dụng hàng năm của NHNN, không làm cho lãi suất thị trường bị méo mó và các chuẩn mực an toàn hệ thống bị đảo lộn. Sự an toàn của các NHTM chính là để ổn định nền kinh tế vĩ mô và uy tín quốc gia.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: Dư địa CSTT năm 2022 còn phụ thuộc vào những thách thức của ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, NHTW các nước đã bắt đầu thu hẹp lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm 2021 đến tháng 12/2021, thế giới đã chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW, trong đó riêng từ tháng 9/2021 đến đầu tháng 12/2021 có 50 lượt tăng lãi suất... Từ những phân tích trên có thể thấy dư địa của CSTT còn rất hẹp. Hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền. Do vậy, trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất và cân đối trong tương quan với lạm phát; tương quan với lợi ích của người gửi tiền. Trong điều kiện cho phép, NHNN có thể thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất ở mức độ phù hợp. Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, các chủ thể trong nền kinh tế nói riêng. |
Lo ngại lạm phát, nhiều nước trên thế giới bắt đầu thắt chặt CSTT. Với Việt Nam, theo ông, sức ép lạm phát có lớn không và điều hành CSTT theo hướng nào để có thể đạt mục tiêu kép như Chính phủ mong đợi?
Tôi cho rằng, ở Việt Nam chưa có lạm phát cầu kéo (lạm phát do bơm tiền) như nhiều nước khác do không có gói kích cầu nào đáng kể. Trong khi đó NHNN kiểm soát cung tiền, tín dụng khá tốt nên áp lực lạm phát năm tới không lớn.
Sang năm 2022, theo tôi, NHNN tiếp tục duy trì điều hành CSTT ổn định và linh hoạt như trong giai đoạn qua. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu và hoàn thiện công cụ điều hành CSTT thực chất, mang tính thị trường nhiều hơn.
Hai là NHNN nên giảm bớt liều lượng đối với gói giãn hoãn, đồng thời cho các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn để dự phòng rủi ro nợ xấu trong tương lai, đưa bảng cân đối tài sản trở về thực chất. Nghiên cứu tiến tới xoá bỏ hạn mức tín dụng phân bổ cho từng NHTM trở thành quản lý hành chính về cung tiền.
Cuối cùng là tập trung vào ổn định lại hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đang chịu rủi ro rất lớn. Sau 5 năm tái cơ cấu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng khá nhanh. Điều này là tốt để tăng năng lực tài chính, hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng trong nguồn tài chính đó lại chứa đựng những rủi ro về nợ xấu, thanh khoản trong trung hạn, đặc biệt là vấn đề cho vay chéo, sở hữu chéo chưa được kiểm soát chặt chẽ và đúng mức. Vì vậy, cần củng cố ổn định hệ thống làm nền tảng cho phát triển dài hạn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!