Điều hành tỷ giá ổn định hướng tới mục tiêu kép
Hành động chính sách quyết liệt và kịp thời
Một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong tuần qua trên thị trường tài chính đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất chính sách, quyết tâm hạ nhiệt lạm phát bất chấp nền kinh tế quốc nội và kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau cuộc họp trong 2 ngày 20-21/9, FED quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, lên mức 3,0% - 3,25%; là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2008. Và FED dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên 4,4% và tiếp tục duy trì mức 4,6% trong năm 2023. Trong vòng 20 năm trở lại đây, mức lãi suất lớn nhất mà FED từng áp dụng là 5,25% vào năm 2006, ngay trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007-2008.
Chủ tịch FED Jerome Powell trong buổi họp báo cùng ngày cũng khẳng định, việc khôi phục sự ổn định giá cả có thể đòi hỏi phải duy trì lập trường chính sách trong một thời gian. Ngăn chặn lạm phát là việc cấp thiết, và sẽ không có cách nào đỡ đau thương hơn để thực hiện mục tiêu này.
Song, chính Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận không ai biết liệu quá trình nâng lãi suất mạnh hiện nay có dẫn đến suy thoái hay không hoặc nếu có, thì suy thoái đó sẽ nghiêm trọng như thế nào. Cùng với việc tăng lãi suất, FED còn thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022.
Ảnh minh họa |
Không chỉ Mỹ, trước bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát leo thang, ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước tiếp tục thu hẹp việc nới lỏng chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng lãi suất.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tính cả 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất của FED đã có 257 lượt tăng lãi suất từ một số nước lớn như Anh, Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Úc, ECB. Cụ thể ECB tăng 02 lần (0,5%/năm và 0,75%/năm)... Một số nước trong khu vực cũng điều chỉnh tăng lãi suất như Malaysia tăng lên mức 2,5%/năm, Philippines tăng lên mức 3,75%/năm, Indonesia tăng lên mức 3,75%/năm, Thái Lan tăng lên mức 0,75%/năm nhằm kiểm soát lạm phát.
Việc NHTW nhiều nước, đặc biệt là FED đã đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh và mạnh lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, dẫn đến mặt bằng lãi suất toàn cầu, nhất là lãi suất đồng USD tăng nhanh, chỉ số USD tăng cao kỷ lục trong gần 40 năm trở lại đây... Các diễn biến đó đã tác động bất lợi đến việc kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối của Việt Nam, lãi suất thị trường có xu hướng gia tăng.
Xét điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.
Theo đó, NHNN quyết định tăng thêm 1%/năm đối với các mức lãi suất điều hành tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Đồng thời, tăng thêm 0,3%/năm đối với trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; tăng thêm 1%/năm đối với trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.
Việc điều chỉnh lãi suất, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú là phù hợp với xu hướng thị trường trong và ngoài nước, giúp ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, USD tăng giá, FED tăng lãi suất với tốc độ nhanh và mạnh hơn, căng thẳng Nga – Ukraine.
“Định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Do đó, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang lý giải thêm.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, quyết định tăng lãi suất điều hành lần này của NHNN tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, hành động này là cần thiết. Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN không chỉ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên tỷ giá mà còn để cải thiện thanh khoản ngân hàng.
“Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam về nhập khẩu lạm phát là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu. Việc để VND mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó, thời điểm này, điều hành chính sách tiền tệ phải lựa chọn ưu tiên giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát. Ngoài ra, tăng lãi suất để bảo vệ nội tệ trong bối cảnh hiện nay là vấn đề của cả thế giới không chỉ ở Việt Nam. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành là bước đi tất yếu”, vị này nhận định.
Đại diện SSI cũng đánh giá trên thực tế NHNN đã có sự chuẩn bị từ trước cho đợt tăng lãi suất này của FED, thông qua việc duy trì mức độ chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD trong thời gian qua. Ngay trước khi tăng lãi suất điều hành vào tuần này, tỷ giá bán tại Sở giao dịch đã được điều chỉnh tăng lên mức 23.700 đồng/USD vào ngày 7/9 (thêm 300 đồng/USD).
Đồng quan điểm VDSC nhận định việc nâng tỷ giá bán của NHNN và ngừng hẳn giao dịch mua USD từ các NHTM vừa cho thấy áp lực lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng cũng vừa là một động thái mang tính chuẩn bị.
Còn theo TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, động thái trên của NHNN hấp thụ phần nào áp lực của thị trường. Với cách điều hành tỷ giá của NHNN hiện tại, từ nay đến cuối năm năm, tỷ giá sẽ biến động không quá 1% nữa và biên độ biến động tỷ giá cả năm sẽ không quá 5%.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Ổn định giá trị đồng tiền, tăng niềm tin thị trường
Trong bối cảnh NHTW các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như FED, các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá không còn dày dặn như trước.
Song theo một chuyên gia ngân hàng, không cần quá lo ngại về khả năng can thiệp vì khi thị trường ổn định thì nhu cầu tích trữ sẽ giảm, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không găm USD mà bán cho ngân hàng. Theo đó, cơ quan quản lý không phải can thiệp nhiều cân bằng cung - cầu. Khi tỷ giá ổn định cũng giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tăng nguồn cung ngoại tệ.
“Trong thời gian qua, NHNN đang sử dụng cùng cả ba công cụ can thiệp, bao gồm bán USD, nâng tỷ giá trung tâm và nâng lãi suất điều hành để giữ ổn định tỷ giá. Với các nguồn lực hiện có và sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách, NHNN vẫn còn dư địa điều chỉnh tỷ giá khi cần thiết”, vị chuyên gia trên nêu nhận định.
Không phủ nhận tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, VNDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
TS. Huân cũng kỳ vọng, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia ổn định vĩ mô tốt nhất và tăng trưởng tốt nhất khu vực. Với nền tảng nội tại của nước ta tích cực như vậy, Chính phủ, NHNN hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Có thể nói, thời gian qua phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của NHNN trong điều hành chính sách đã góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Ở thời điểm hiện nay, theo quan điểm của TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều cần làm đầu tiên để kinh tế vĩ mô ổn định là phải giữ được tỷ giá hiện nay, giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam để ổn định tâm lý thị trường.
“Có ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát… mới tạo điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Trước khó khăn trong thời gian tới, để hỗ trợ DN, nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỷ giá hợp lý, cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
“Điều hành trong giai đoạn này hết sức bình tĩnh, đòi hỏi công tác điều hành phải nghệ thuật, khôn khéo, chủ động, kịp thời, phù hợp và đồng bộ của các nhà hoạch định chính sách. Ở đây, điều hành phải bằng các công cụ phối hợp nhuần nhuyễn chính sách, tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng và có lựa chọn thứ tự ưu tiên”, TS. Lực chia sẻ quan điểm.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, NHNN tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát nhập khẩu, can thiệp ổn định thị trường ngoại tệ khi cần thiết.