Doanh nghiệp nuôi dưỡng thị trường nội địa
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao động tổ chức |
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thành công nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi, tích cực hơn.
Sở Công thương cũng đồng hành với doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình kích cầu để giúp giải phóng tồn kho. Đồng thời, Sở đã xin ý kiến Bộ Công Thương để làm khuyến mãi tập trung kéo dài 3 tháng, tạo đợt giảm giá rất sâu và kích thích tiêu dùng nội địa. Một trong những giải pháp khác của TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ doanh nghiệp là tổ chức hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo cầu nối cho doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, nhà mua hàng quốc tế. Đặc biệt, nhằm tăng sức cầu, các doanh nghiệp cần chú trọng “sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất những sản phẩm chúng ta có lợi thế”.
Kết quả, doanh số bán buôn bán lẻ trong 2023 tăng lên 707.000 tỉ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố cũng tăng cao hơn cả nước. Xu hướng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, doanh thu thương mại điện tử 2023 tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 60%.
Nhiều chuyên gia nhận định, muốn phát triển kinh tế đất nước, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn khó khăn, thì các chính sách cũng cần tập trung vào thị trường nội địa. Số liệu thống kê cho thấy, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Với dân số khoảng 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo thành sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, đối với nền kinh tế của Việt Nam, khung hướng tiêu dùng biên là khá cao – trong 100 đồng người dân tạo ra có thể dùng tới 60-70 đồng để chi tiêu thêm. Tiêu dùng biên có thể đạt tới 1 hoặc lớn hơn 1, nghĩa là có những người sẽ đi vay để chi tiêu. Đa phần người thu nhập thấp thường tiết kiệm nhiều hơn vì khó khăn. Do đó, nếu kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu, riêng tầng lớp thu nhập cao thì lại hạn chế chi tiêu.
Còn đối với xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng giá trị tăng thêm, lợi nhuận của doanh nghiệp FDI đều chuyển về nước họ, nên chưa tạo nhiều giá trị ra nền kinh tế và lan tỏa nhiều cho sản xuất, tiêu dùng trong nước. Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.
Một yếu tố khác giúp kích cầu tiêu dùng chính là chính sách về thuế. Muốn khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt" cần chú trọng bằng công cụ thuế. Việc giảm thuế VAT từ 10 xuống 8% là cần thiết tạo lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài như áp dụng trong 2 năm, thay vì giảm từ lần 6 tháng theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.
“Cuối cùng, cần phát triển hệ thống phân phối để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận” – TS. Anh Tuấn đưa ra khuyến cáo