Doanh nghiệp cà phê: Đẩy mạnh đầu tư chế biến
Nâng công suất lên gấp đôi
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến việc xuất khẩu cà phê chế biến ở dạng rang xay, hòa tan và một số lượng cà phê hạt đã được chuyển sang ở dạng cà phê chế biến để xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng cà phê chế biến xuất khẩu là 52.000 tấn, gần bằng cả năm 2014, giá trị thu về là 226 triệu USD. Vicofa dự báo, năm 2015, lượng xuất khẩu cà phê chế biến có thể tăng 25% so với năm 2014.
Nhiều DN đầu tư lớn vào chế biến cà phê xuất khẩu |
Nguyên nhân sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu tăng, được cho là do nhu cầu thế giới tăng. Theo ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), điểm nhấn của thị trường cà phê thế giới năm 2015/2016 là tiêu dùng ở các nước như Indonesia, châu Âu, Mỹ tăng nhẹ.
Có cầu ắt có cung. Nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu kể trên, ngay trong năm 2015, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư thêm nhà máy chế biến cà phê. Số liệu thống kê từ IPSARD cho thấy, trong năm 2015, đã có ít nhất 4 DN đầu tư thêm nhà máy chế biến cà phê.
Cụ thể, Tập đoàn Nestle đầu tư 80 triệu USD xây nhà máy sản xuất cà phê khử caffeine (ở Việt Nam Nestle đã đầu tư 450 triệu USD tại 5 nhà máy); Công ty Neumann Gruppe đầu tư thêm nhà máy chế biến cà phê mới tại Đồng Nai, công suất 26 tấn/h; Công ty Massimo Zanetti Beverage Group Việt Nam đầu tư một nhà máy ở Bình Dương công suất 3.000 tấn/năm; Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex khánh thành thêm 1 nhà máy ở Bình Dương, công suất 90.000 tấn/năm (hiện tại Intimex đã có 9 nhà máy chế biến cà phê tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Dương).
Liên quan đến chế biến cà phê, bà Võ Thị Lý, Cục Chế biến nông -lâm - thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, Quy hoạch và nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến cà phê đến năm 2020, định hướng 2030 đã xác định là sẽ nâng công suất các mặt hàng chế biến lên gần gấp đôi so với hiện nay.
Trong đó, cà phê rang xay từ 26.095 tấn/năm hiện nay sẽ nâng công suất lên 50.000 tấn vào năm 2020; cà phê hòa tan công suất 176.330 tấn/năm hiện nay sẽ được nâng lên thành 255.000 tấn vào năm 2020… Việc nâng công suất cà phê chế biến sẽ giúp giá trị gia tăng ngành cà phê được tăng thêm khoảng 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu sẽ là 3,8 – 4,2 tỷ USD/năm vào năm 2020, thay vì 3,0 – 3,2 tỷ USD trong năm 2015.
Tuy nhiên, để việc mở rộng chế biến thương mại các sản phẩm cà phê được hiệu quả, theo bà Lý, lãnh đạo ngành cà phê và các DN cần chủ động nghiên cứu cơ hội và thách thức đối với ngành cà phê khi tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để có định hướng mở rộng thị trường cà phê chế biến. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuật, nhất là đối với các dòng sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan.
Xây dựng thương hiệu
Thị trường cà phê rang xay, mấy năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng tuy không bằng cà phê hòa tan, nhưng vẫn đạt trung bình hàng năm khoảng 13%. Thị trường đầu ra hiện nay của các cơ sở rang xay là các siêu thị, cửa hàng, quán cà phê, nhà máy chế biến cà phê hòa tan, thị trường này chiếm gần như 99% sản lượng đầu ra.
Kết quả điều tra của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy, thị trường đầu ra của cà phê rang xay tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang…
Trong khi đó, sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1 ngày càng phù hợp với thu nhập và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài thị trường nội địa, cà phê hòa tan, cà phê hòa tan 3 trong 1 cũng được xuất khẩu nhiều đến một số quốc gia, mà chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Quốc. Ngoài ra, cũng có một số thị trường mới như: Nga, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Malaysia, Syria và Nhật Bản. Thị trường nội địa chiếm khoảng 1/3 sản lượng sản xuất, xuất khẩu chiếm 2/3 sản lượng.
Việc xuất khẩu cà phê chế biến nói chung, cà phê hòa tan và cà phê hòa tan 3 trong 1 nói riêng hiện nay đang gặp khó khăn lớn do hàng rào thuế quan của các nước nhập khẩu. Đối với cà phê hòa tan, thuế nhập khẩu thường là 20%, trong khi đó cà phê nhân chỉ có 5%. Đây là nguyên nhân các nhà thu mua cà phê trên thế giới “ưu ái” nhập khẩu cà phê nhân thô của Việt Nam, nhằm thu lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, khi các hiệp định TPP, hoặc hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, thuế suất giảm dần, có thể các nhà mua hàng trên thế giới sẽ “suy nghĩ lại”. Theo đó, lượng cà phê chế biến sẽ ngày một tăng lên theo thời gian.
Vấn đề còn lại nằm ở chính bản thân các DN cà phê Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, cũng như thương hiệu đủ mạnh để thuyết phục các nhà mua hàng này hay không.
Việt Nam có khối lượng cà phê xuất khẩu cà phê bằng 2,3 lần Colombia, nhưng giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam lại thấp hơn. Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường đòi hỏi cà phê phải mang các đặc trưng chất lượng gốc ổn định, thuận tiện cho việc rang xay và phối trộn sản phẩm.
Nếu toàn ngành cà phê từ trồng trọt đến chế biến cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê hòa tan cùng “ngồi lại”, đoàn kết lại tạo ra một nhãn hiệu toàn cầu, thì cà̀ phê Việt Nam cũng sẽ trở nên nổi tiếng như Brazil và Colombia trong thời gian ngắn, sau khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Thương hiệu cà phê Việt Nam sẽ là lời cam kết cho chất lượng của tất cả các sản phẩm cà phê xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nội địa.