Doanh nghiệp cà phê kiến nghị mua tạm trữ
Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng có cảm nhận, niên vụ thu hoạch cà phê 2013-2014 kéo dài từ tháng 10 năm nay đến khoảng tháng 2 năm sau sẽ không êm ả.
Người trồng và DN cà phê đang đối mặt với nhiều bất ổn thị trường
Bà cho biết, kể từ đầu tháng 10/2013 đến nay, thị trường cà phê thế giới cũng như trong nước liên tục rớt giá, khiến cho những DN như của bà Tuyết và cả các nông hộ trồng cà phê trên đất Tây Nguyên như đang ngồi trên đống lửa.
Hiện tại, giá cà phê nhân xô thu mua tại Tây Nguyên đã xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Cụ thể là giá cà phê nhân được các DN trên địa bàn mua từ 29.500 - 30.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái gần 15.000 đồng/kg. Theo tính toán, với giá bán hiện nay, các nông hộ trồng cà phê rất khó hòa vốn chứ đừng nói đến lãi.
Trường hợp giá cà phê tiếp tục giảm, nông dân trồng cà phê sẽ lỗ nặng thêm... Cũng bởi, chi phí mùa vụ cà phê này khá cao.
Theo nhiều hộ trồng cà phê cho hay, chi phí đầu tư cho niên vụ cà phê này tăng mạnh do giá vật tư, phân bón, chi phí chăm sóc đều cao hơn vụ trước. Trong khi đó, năng suất thu hoạch có khả năng đạt thấp do ảnh hưởng của thời tiết bất thường giai đoạn trước.
Hiện tượng cà phê tét nhân, 100% các vườn cà phê đều bị rụng trái chín, những quả chín sớm bị nứt nẻ rồi rụng xuống đất… khiến sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 tại Tây Nguyên sẽ sụt giảm mạnh.
Điều này cũng đồng nghĩa, người nông dân trồng cà phê sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh cà phê vừa mất mùa mà lại mất giá, nhưng hiện đã đến kỳ trả nợ ngân hàng nên để có tiền trang trải, nhiều hộ nông dân đành chấp nhận bán cà phê với giá lỗ vốn.
Đối với DN, yếu tố biến động giá trên thị trường cà phê cũng mang đến rất nhiều rủi ro. Cũng theo bà Tuyết, dù niên vụ cà phê 2013-2014 đang bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà, nhưng các DN lại không dám liều thu mua… “Nhiều DN không dám ký hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nhằm tránh rủi ro biến động giá”, bà Tuyết cho hay.
Tuy nhiên, ảnh hưởng đến DN vẫn khá nặng nề. Cũng bởi nhiều năm nay, các DN làm ăn nghiêm chỉnh đều có kế hoạch kết nối với người trồng, chia sẻ rủi ro kinh doanh bằng việc đầu tư và hỗ trợ các hộ trồng cà phê cả về kỹ thuật và vốn, nhân lực.
Chẳng hạn như Công ty Nguyên Huy Hùng, hiện DN đang hợp tác với 2 hợp tác xã và liên kết trên 1.000 hộ nông dân để trồng cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, FLO, UTZ, với diện tích canh tác hơn 1.000 ha tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Bà Phạm Thị Tuyết cho biết, Nguyên Huy Hùng gần đây đã rất kiên trì với chương trình cà phê sạch bằng cách thu hút nông dân sản xuất cà phê chứng chỉ FLO, UTZ và 4C, nhưng hiện tượng mất mùa và lại mất giá là điều đáng lo ngại.
Hệ lụy nhãn tiền là nông dân chán nản, không còn quá mặn mà với cây cà phê như trước đây. DN cũng sẽ cẩn trọng đầu tư, liên kết theo chuỗi với nông dân. Vấn đề này đang đẩy ngành cà phê Việt Nam trở lại thế khó khăn rất khó xử lý, nếu không có sự điều tiết ở tầm quy mô ngành.
Theo bà Tuyết, thời điểm này Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cần có kế hoạch điều tiết lượng bán ra một cách hợp lý, tránh làm tăng áp lực giảm giá. Đồng thời, Chính phủ nên sớm triển khai chương trình thu mua tạm trữ cà phê niên vụ 2013-2014 để giảm nguồn cung ra thị trường.
Để hỗ trợ DN thu mua tạm trữ cà phê, các ngân hàng xem xét cho vay lãi suất phù hợp, khoảng 7-8%/năm. Ngoài hình thức thế chấp bằng tài sản, các ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho DN thế chấp bằng chính kho hàng để có đủ nguồn vốn thu mua cà phê trong dân, đồng thời giúp DN trong nước có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài, có thế mạnh về tài chính…
Bài và ảnh Công Thái