Doanh nghiệp chung tay kích cầu tiêu dùng nội địa
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho hầu hết các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là ngành thương mại dịch vụ. Theo đại diện UBND TP. Hà Nội, để khôi phục sản xuất và khôi phục thị trường trong năm 2022, thành phố sẽ tích cực thực hiện các giải pháp cùng DN kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các hoạt động mua sắm truyền thống, thương mại điện tử…
Trong năm 2022, Hà Nội sẽ tích cực thực hiện các giải pháp cùng DN kích cầu tiêu dùng nội địa |
Trên thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ thị trường trong nước xuất phát từ việc thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch Covid-19. Điều này khiến họ phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung, cầu hàng hóa, bình ổn giá, ổn định thị trường nên nhìn chung đã giúp cho tiêu dùng tăng cao. Ngay trong tháng 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh. Cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần của người dân tăng cao nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một ước tính đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc từng bước khôi phục lại phát triển kinh tế, TP.Hà Nội đã chính thức ban hành kế hoạch về tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố năm 2022. Theo đó, nội dung của chương trình gồm: Tổ chức các hội nghị triển khai chương trình khuyến mại, các hoạt động, sự kiện và họp báo chương trình; Khai mạc Chương trình Khuyến mại tập trung TP.Hà Nội năm 2022; Tổ chức sự kiện "Hà Nội Xanh - Kết nối Xanh" 2022; Tổ chức triển khai các hoạt động khuyến mại tập trung toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn TP.Hà Nội; Tổ chức sự kiện khuyến mại "Hanoi Sales Promotion 2022", sự kiện Không dùng tiền mặt 2022; Tổ chức Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2022, rồi sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Ha Noi Midnight Sale 2022”; Kiểm tra thực tế tại một số điểm tham gia khuyến mại tập trung…
Đối tượng tham gia các sự kiện trên là các DN, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn, bao gồm: Các chuỗi, trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, chợ, cửa hàng tự chọn, các cửa hàng chuyên doanh; các DN sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng; các DN kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn; DN vận chuyển; hệ thống các ngân hàng; DN viễn thông; DN công nghệ thông tin; DN xây dựng; DN thương mại điện tử... Chuỗi chương trình được thực hiện vào các tháng 5, 7 và tháng 11/2022 với quy mô triển khai trên toàn thành phố, trọng tâm tại địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc tiêu thụ hàng hóa, sở đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, các chương trình khuyến mại tập trung… Qua đó đã giúp các DN tăng lượng hàng bán ra, tăng doanh thu và ổn định sản xuất. Đồng thời, cũng mang đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm hàng chục nghìn sản phẩm giảm giá ưu đãi của tất cả các nhóm, ngành hàng, dịch vụ trên toàn địa bàn thành phố.
Hiện nay Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... dần mở cửa trở lại sau thời gian dài hạn chế và tạm ngừng hoạt động. Việc triển khai các chương trình kích cầu nội địa thời gian tới sẽ tiếp tục góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP.Hà Nội. Đồng thời hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương cũng mong muốn sự đồng hành của các DN trong việc tham gia các chương trình, giải pháp kích cầu bằng việc bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng.