Doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế
Đó là những thông tin đáng chú ý mà doanh nghiệp phản ánh tại hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”, diễn ra ngày 9/11, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Chuyển đổi số là quá trình tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. |
Nhiều cơ hội để chuyển đổi số
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI, cho biết chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia mình.
Để tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo.
Ở các cấp cao nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhờ đó, hiện Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển, làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.
Bên cạnh thuận lợi về chính sách, theo ông Bùi Trung Nghĩa, với thị trường nội địa 100 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao với 70% dân số sử dụng Internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.
“Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm trước đó, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm”, ông Bùi Trung Nghĩa thông tin.
Theo thống kê của VCCI, hiện nay, cả nước có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã diễn ra mạnh mẽ nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.
Đánh giá về nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI dẫn kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp, do VCCI thực hiện năm 2020, cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số.
Theo đó, có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%); giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%); đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).
Từ những đánh giá trên, ông Võ Tân Thành cho rằng chuyển đổi số là quá trình tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đã phát huy tác dụng trong đại dịch COVID-19. Do đó, dù đứng trước nhiều trở ngại, Chính phủ vẫn quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số với những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP cả nước; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%; năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 8%...
“Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số. Trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường, doanh nghiệp nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế và gặt hái được nhiều thành công so với sản xuất, kinh doanh truyền thống”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành khẳng định.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. |
Doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi số
Có nhiều cơ hội, song theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số hay không lại phù thuộc vào những cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là khu vực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Liên quan đến những thách thức đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, qua cuộc khảo sát gần đây do bộ này phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số.
Cụ thể, 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động...
Thực tế hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Cộng đồng doanh nghiệp cần coi chuyển đổi số là một phần chiến lược kinh doanh của mình. Cùng với đó, chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công", ông Bùi Trung Nghĩa nhấn mạnh.