Doanh nghiệp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế số
Doanh nghiệp chuyển đổi số - nên bắt đầu từ đâu? Doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế |
Những hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số TP.Hồ Chí Minh sẽ mang lại kết quả truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực về việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hiệu quả kinh tế số đem lại, đóng góp chung cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hồ Chí Minh.
Hiện nay trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có đến 98% các doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Đây là nguồn lực lớn và thành phố luôn coi trọng, mong muốn tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này nhanh chóng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất có chương trình kích cầu đầu tư và sắp tới đây, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh thì chương trình này sẽ được mở rộng. UBND thành phố sẽ đưa các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ thông tin… vào diện được hưởng chính sách.
Chuyển đổi số đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp |
“TP.Hồ Chí Minh luôn mở rộng cửa, tạo điều kiện sẵn sàng để tiếp thu các ý kiến, giải pháp để hấp thụ những nguồn lực xã hội trong chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các dịch vụ chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (Huba), hiện cộng đồng doanh nghiệp thành phố đang và sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, mục tiêu của Huba từ nay đến cuối năm và bước qua năm 2024 là hỗ trợ các doanh nghiệp giữ vững ổn định, ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, doanh nghiệp rất cần phát huy tính tự chủ, chủ động sáng tạo, áp dụng các giải pháp chuyển đổi công nghệ trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, thay đổi phương pháp bán hàng mới thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện đại, internet, mạng xã hội…
Ông Huỳnh Văn Thành, Phó giám đốc kinh doanh CTCP Misa cho biết, nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn, tuy nhiên tùy vào từng lĩnh vực ngành nghề, quy mô lớn nhỏ… mà các doanh nghiệp lựa chọn các phương pháp tiến hành khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trước tiên giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và tăng cường năng suất làm việc bằng cách tối ưu hóa quy trình kinh doanh và sản xuất. Thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp có thể tự động hóa các bước công việc, loại bỏ các quy trình thủ công không hiệu quả và giảm thiểu sai sót. Điều này giúp tăng cường hiệu suất và chất lượng công việc, giảm thời gian hoàn thành và tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp đánh giá và tối ưu hóa quy trình kinh doanh thông qua phân tích dữ liệu và tự động hóa. Việc giảm bớt các bước thủ công không cần thiết và tối ưu hóa quy trình giúp giảm thiểu thời gian và chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo chủ trương của Chính phủ với mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số cho 100% các doanh nghiệp trên toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu này, có Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức và đầu tư cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số đang gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành khoản đầu tư cụ thể cho sự thay đổi này, nhất là sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm về chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực tại doanh nghiệp.