Doanh nghiệp chuyển đổi số: Từ xu hướng đến thực tế
Xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số đang trở thành một “cơn sốt” trên thế giới và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo DN phải căn cứ vào tình hình thực tế của mình, nếu không cẩn thận sẽ nếm “trái đắng”.
Từ trước đại dịch Covid-19, International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa. Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng mạnh và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%), dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, theo các chuyên gia, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam một thị trường đầy tiềm năng để khuyến khích các DN triển khai các mô hình kinh doanh số mới.
Ảnh minh họa |
Đại dịch Covid-19 những tháng đầu năm nay đã giáng một đòn nặng nề vào toàn bộ nền kinh tế, nhưng ở một góc độ tích cực, Covid-19 được đánh giá như một “cú hích” bắt buộc DN phải đi nhanh hơn trên con đường chuyển đổi số. Mới đây, đầu tháng 5, Công ty Lộc Trời công bố ký hợp đồng với Citek để triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực DN ERP SAP S/4HANA, hệ thống này cũng đang được hàng chục DN Việt sử dụng để phục vụ cho việc quản trị.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Trưởng phòng Phân tích của start up HeyU cho biết, trong đại dịch, HeyU quan điểm không ngủ đông mà đón “sóng ở đáy sông”. Thay vì tạm dừng hoạt động, DN nhìn lại cấu trúc của mình, để chỉnh sửa phù hợp, để khi đại dịch qua đi sẽ bật lại rất nhanh. Đồng thời, ngoài dịch vụ đang cung cấp, HeyU còn định hướng phát triển dịch vụ “đi chợ hộ” mùa dịch. Chính vì thế, DN này chỉ bị ảnh hưởng ít nhiều trong tháng 4, còn 2 tháng sau đó mức tăng trưởng đều là 25%. “Các DN hãy tận dụng thời gian để làm tốt hơn. Đây chính là cơ hội vàng để lập lại thị trường, để chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, nâng cao số hóa để tăng doanh thu, giảm thiểu chi phí đối với DN”, ông Tuấn nhắn gửi.
Ông Trần Huy Bảo Giang, Giám đốc chuyển đổi số của FPT cho rằng: Khi chuyển đổi số, mỗi công ty, tổ chức sẽ có mục tiêu khác nhau, tuy điểm chung là cùng hướng tới nền kinh tế số.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều ngành đang thực hiện chuyển đổi số nhưng không phải lúc nào cũng vận dụng tốt. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số cũng đã có tại không ít DN nhưng vẫn dừng ở mức độ thử nghiệm và trong quy mô nhỏ. Tuy nhiên, cũng có một số ngành có tốc độ chuyển đổi số nhanh như trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Hiện công nghệ trong lĩnh vực tài chính đang phát triển rất nhanh. Các ngân hàng đang đón đầu số hóa với công nghệ xác thực eKYC, hay sắp tới là Mobile Money, các công nghệ đánh giá người dùng, tính hạn mức tín dụng trong không gian số…
“Vẫn còn không gian rất lớn cho các DN công nghệ hay những DN truyền thống đang muốn chuyển đổi số”, ông Giang cho biết thêm.
Chuyển đổi số như thế nào?
Theo thống kê, hiện cứ 10 chủ DN trên thế giới thì 9 người bắt đầu chiến lược chuyển đổi số và trong số đó, có tới 7 người… thất bại!
Theo ông Trần Huy Bảo Giang, chuyển đổi số không thể làm một cách “phong trào”, mà phải xem xét công nghệ đó có phù hợp với DN không, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của DN. Bởi mục đích cuối cùng của việc này là đem đến hiệu quả, tiện lợi cho cả DN và người dùng.
Khi bắt đầu chuyển đổi số, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, một câu hỏi phải được đặt ra là nguồn lực để làm việc này, và làm thế nào; đã sẵn sàng về việc ấy chưa. Một trong những điểm quan trọng là phải hiểu rõ được các vấn đề của bản thân DN, về khách hàng… không thể chạy theo công nghệ.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Trưởng phòng Phân tích start up HeyU chia sẻ, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất chính là tư duy của người lãnh đạo trước khi chuyển đổi số.
Là đại diện đơn vị đồng hành cùng start up Việt Nam về chuyển đổi số, ông Bùi Thành Đô, đồng sáng lập Thinkzone Ventures cho rằng, với các bạn khởi nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số, nên dành thời gian nghiên cứu sâu hơn, hiểu rõ đối tượng khách hàng muốn đưa công nghệ vào. Đừng nghĩ tới cái mình đang có mà nghĩ tới cái khách hàng đang cần, biến thứ mình đang có thành cái họ cần sẽ giúp cho việc chuyển đổi số hiệu quả hơn. Có rất nhiều start up, công ty công nghệ ở Việt Nam mắc sai lầm rất lớn khi bắt tay vào chuyển đổi số mà chưa thực sự hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu chuyển đổi số theo phong trào thì DN rất dễ mất tiền, mất cơ hội, thậm chí có thể về con số 0 ngay lập tức.
“Cần xác lập những khu vực riêng, cung cấp nguồn lực, tài chính riêng, thử nghiệm với quy mô nào đó, xác định tất cả các rủi ro có thể có… và trong ngưỡng chịu đựng được. Chấp nhận chuyện có sai lầm, nhưng phải có phương án thay đổi”, ông Bùi Thành Đô chia sẻ.