Doanh nghiệp đang chạy đua để theo kịp xu hướng tiêu dùng xanh
Các diễn giả phát biểu tại hội thảo. |
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề "Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sắp diễn ra tại Baku, Azerbaijan sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề về tài chính khí hậu - nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của các quốc gia trên thế giới.
Theo ông Lê Trọng Minh, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sau những cam kết mạnh mẽ về Net Zero tại COP26 năm 2021 và cam kết lịch sử về chuyển đổi năng lượng tại COP28 năm 2023, vẫn đang tiếp tục khẳng định sẽ hành động quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng…
Với Việt Nam, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Đồng hành với Chính phủ trong hành trình đó, không thể thiếu cánh tay đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo bà Lê Minh Trang - Phó Giám Đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), trên thị trường toàn cầu và ở Việt Nam, người tiêu dùng đang dần quan tâm hơn đến sự bền vững. Điều này không chỉ phản ánh trong thói quen mua sắm mà còn thể hiện qua những ưu tiên và mối quan tâm dài hạn của họ đối với môi trường sống xung quanh.
70% người tham gia khảo sát cho thấy tính bền vững và môi trường ngày càng quan trọng hơn đối với họ so với cách đây 2 năm. So với các số liệu trước đây, mối quan tâm này đã tăng dần, cho thấy sự nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu như thiên tai, ô nhiễm không khí, và suy giảm đa dạng sinh học.
Bà bà Lê Minh Trang cho rằng: "Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thể hiện rõ sự quan tâm đến lối sống xanh. Xu hướng lựa chọn các sản phẩm hữu cơ, tái chế và dịch vụ thân thiện với môi trường đang tăng cao. Điều này tạo áp lực lên các doanh nghiệp, buộc họ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới. Từ những ông lớn trong ngành, chúng ta đã thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ: bao bì thân thiện môi trường, cam kết giảm thiểu tác động đến khí hậu và nguồn nước. Rõ ràng, để thành công trong thị trường hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ cần sản phẩm tốt mà còn phải có trái tim xanh".
Thói quen tiêu dùng của người Việt đang dần "xanh hóa". Thay vì chỉ quan tâm đến giá cả và thương hiệu, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực phẩm hữu cơ, mỹ phẩm tự nhiên và các thiết bị tiết kiệm năng lượng đang trở thành những lựa chọn hàng đầu.
Đặc biệt, ngành thực phẩm và chăm sóc cá nhân ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm không chứa hóa chất độc hại, đáp ứng nhu cầu về một cuộc sống lành mạnh và bền vững. Xu hướng này không chỉ đơn thuần là một trào lưu nhất thời mà còn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Bà Trang cho biết: “Trên hành trình chuyển đổi, người tiêu dùng phải đối mặt với một số thách thức, mà quan trọng nhất là 2 vấn đề: Đầu tiên là chi phí, các sản phẩm theo hướng tiêu dùng xanh thường đắt đỏ hơn và thứ hai là không được phong phú, các sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh đang còn hạn chế. Đây là những trở ngại đối với người tiêu dùng trong việc chuyển đổi tiêu dùng xanh”.
Theo báo cáo Sustainability Report của NIQ, doanh nghiệp đang đứng trước ngã ba đường. Áp lực từ người tiêu dùng và các quy định ngày càng chặt chẽ về môi trường như một chiếc đồng hồ đếm ngược, buộc doanh nghiệp phải hành động ngay.
Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không chỉ cần tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn phải xây dựng một chuỗi cung ứng xanh, từ khâu khai thác nguyên liệu đến phân phối sản phẩm. Việc đánh giá và giảm thiểu "dấu chân carbon" là điều cấp thiết, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia và đối tác.
Theo bà Trang, xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian để chuyển mình. Áp lực từ người tiêu dùng, quy định pháp luật và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đang buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm những giải pháp đột phá. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng xanh cho đến việc ứng dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp đang đứng trước ngã ba đường: hoặc là thích nghi và vươn lên, hoặc là bị đào thải. Đây chính là cơ hội vàng cho những doanh nghiệp tiên phong, giúp họ không chỉ xây dựng thương hiệu bền vững mà còn dẫn đầu thị trường.