“Doanh nghiệp FDI còn đang chờ đợi những cải thiện“
Đóng góp lớn cho phát triển
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 33,5 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 72% kim ngạch cả nước. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 17,97 tỷ USD (chiếm 76,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 15,53 tỷ USD (chiếm 67,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước). Với kết quả này, các doanh nghiệp FDI đã tạo động lực không nhỏ cho xuất khẩu và góp phần quan trọng vào phát triển nền kinh tế.
Tại Bình Phước, tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà CPV Food do Tập đoàn CP Thái Lan làm chủ đầu tư với số vốn lên tới 250 triệu USD đang là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu hiện đại và lớn nhất tại Việt Nam. Tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi này sản xuất theo mô hình chuỗi khép kín với công suất 100 triệu con/năm, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Nhà máy dự kiến cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2.
Các doanh nghiệp FDI không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. |
Không chỉ có kết quả kinh doanh tốt, nhiều doanh nghiệp FDI còn không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhờ chính sách thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt. Đơn cử, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 xưởng sản xuất pin năng lượng mặt trời, tới đây Công ty JA SOLAR Việt Nam sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động xưởng sản xuất thứ 3 với vốn đầu tư gần 100 triệu USD, quy mô hơn 20 ha.
Ông Zheng Si Hua, Phó Tổng Giám đốc JA SOLAR Việt Nam chia sẻ, với 3 nhà xưởng, doanh nghiệp đã hình thành chuỗi sản xuất khép kín gồm đầy đủ các khâu sản xuất. Qua đó, giúp tăng gấp đôi tổng công suất, đáp ứng nhu cầu của các đối tác tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Sức hút của các doanh nghiệp FDI còn được thể hiện rõ qua mục tiêu thu hút vốn FDI trong năm 2023 của các địa phương. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - “đầu tàu” kinh tế của cả nước, nếu tình hình kinh tế, xã hội ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, thì số vốn FDI thu hút vào địa phương này trong năm nay có thể đạt 4,1-4,5 tỷ USD. Chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 1/2023, thành phố đã thu hút được hơn 179 triệu USD vốn FDI và đã cấp giấy chứng nhận cho 50 dự án có vốn FDI.
Nói về những thế mạnh của các doanh nghiệp FDI, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính, quản trị, khả năng về thương mại quốc tế cao.
Mong có nhiều chính sách hỗ trợ
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Theo đại diện Bộ Công Thương, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, dẫn đến giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao. Đặc biệt là những ảnh hưởng do lạm phát, tồn kho cao đã tác động đến sức cầu nhập khẩu hàng hóa của người tiêu dùng, trong đó, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.
Cùng với đó, bên cạnh những mặt thuận lợi, Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp FDI.
Ông Kim Young Whan, Hội trưởng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết, quy định trong Nghị định này yêu cầu chuyên gia nước ngoài phải ở tại nơi tập trung của khu công nghiệp, cũng là chuyện khó cho doanh nghiệp. Về vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị, để thực hiện quy định này, cần có lộ trình và thời gian phù hợp để chuẩn bị.
Cùng với đó, trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút các doanh nghiệp FDI và nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp FDI còn đang chờ đợi những cải thiện về chất lượng nguồn nhân lực, giá thuê đất, mặt bằng kinh doanh, chất lượng hạ tầng (năng lượng, khu công nghiệp), chi phí và chất lượng logistics, chính sách về khoa học công nghệ, chất lượng chính sách…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... tới hết năm 2023.