Doanh nghiệp ghi nhận lãi vay giảm mạnh
Kỳ vọng “hồi sinh” từ chi phí lãi vay giảm Lãi vay giảm, cơ hội cho doanh nghiệp |
Doanh nghiệp hài lòng về lãi vay
Ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc ITPC cho biết, nơi này đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn liên quan đến vấn đề tín dụng ngân hàng gửi đến NHNN thành phố trước hội nghị.
Theo đó, đa số các doanh nghiệp quan tâm đến các nội dung về cách thức tiếp cận vốn tín chấp từ các NHTM, mong muốn ngành Ngân hàng mở rộng cơ hội tiếp cận chính sách gia hạn nợ để họ có thêm thời gian xoay xở dòng tiền sản xuất kinh doanh. “Các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp gửi trước đều đã được NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các NHTM liên quan giải đáp thỏa đáng”, ông Chánh cho biết.
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Câu lạc bộ các doanh nghiệp thép TP. Hồ Chí Minh ghi nhận, từ cuối năm ngoái đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã được ngành Ngân hàng duy trì ở mức khá thấp. “Hiện nay doanh nghiệp có thể vay lãi suất 6-7%/năm, thấp hơn 3-4% so với trước đây. Như thế là chi phí vay vốn ngân hàng đã giảm khá nhiều”, ông Khương nói.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực được hỗ trợ nguồn tín dụng với lãi suất thấp |
Đại diện Câu lạc bộ các doanh nghiệp thép cho rằng, để hỗ trợ về dòng tiền cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng cần tích cực hơn trong việc triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả hỗ trợ và giữ nguyên nhóm nợ. “Lãi suất bây giờ khá hợp lý rồi, nhưng cần nhất là các ngân hàng tích cực hơn trong việc giãn nợ. Vì nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, thiếu dòng tiền quay vòng nên rất vất vả trong việc xoay tiền trả nợ đúng hạn”, ông Khương nói thêm.
Liên quan đến việc tiếp cận vốn, đại diện Công ty chế biến thủy sản Khánh Trang (quận Tân Bình - TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ đều đã không còn nhiều tài sản thế chấp. Vì thế, doanh nghiệp mong muốn NHTM xem xét, tính toán đưa ra nhiều hơn các sản phẩm tín dụng tín chấp, tăng mức cho vay tín chấp và giảm một phần lãi suất vay vốn đối với các khoản vay không có tài sản đảm bảo; hoặc nhận các tài sản đảm bảo chưa hoàn thiện được về pháp lý làm tài sản đảm bảo. Chẳng hạn như bất động sản chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các ngân hàng cũng nên xem xét tạo điều kiện nhận thế chấp bằng hợp đồng mua bán, chứng từ liên quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn với mặt bằng lãi suất vừa phải.
Tín dụng đổ mạnh vào sản xuất kinh doanh
Đối thoại với doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 1,93% so với cuối năm 2023, tín dụng đã tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2/2024 đến nay. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đã có sự cải thiện. Các chính sách thúc đẩy hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ và ngành Ngân hàng đã phát huy hiệu quả và tạo sự lan tỏa trên thị trường.
Theo ông Lệnh, trong những tháng đầu năm, các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh; cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đối với doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghiệp; cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đặc biệt là các gói vay ưu đãi, tiêu biểu như gói vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản… đều là những điểm sáng về tăng trưởng tín dụng của TP. Hồ Chí Minh và có tốc độ tăng trưởng khá cao.
Riêng về chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đại diện NHNN thành phố cho rằng, ngoài việc phối hợp với ITPC tổ chức hội nghị đối thoại, thời gian qua NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở các quận, huyện, thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đầu năm 2024, 17 ngân hàng đăng ký gói tín dụng trị giá hơn 500.000 tỷ đồng tham gia chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến nay gói tín dụng ưu đãi này đã giải ngân được hơn 200.000 tỷ đồng, cho vay đối với gần 70.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Song song đó, các ngân hàng cũng đã triển khai mạnh mẽ chính sách giảm lãi vay, gia hạn nợ và không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, nhất là cho vay các nhóm, lĩnh vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, việc tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong nền kinh tế luôn được hệ thống ngân hàng xác định là nhiệm vụ quan trọng và tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy triển khai trên thực tế.
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong hoạt động kết nối, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Vì thế, bất cứ lúc nào doanh nghiệp có ý kiến, kiến nghị, vướng mắc liên quan đến vấn đề vốn vay, sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng đều có thể kết nối với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và các TCTD liên quan để ngồi lại, cùng bàn bạc tìm phương án tháo gỡ.