Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số
Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số |
Tận dụng các cơ hội từ kinh tế số
Tại “Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan tổ chức ngày 25/10/2023, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp DN tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các DN, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Việc phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các DN. Theo ông Hoàng Quang Phòng, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu |
Trên thực tế những nam gần đây, hầu hết các DN đều quan tâm đến chuyển đổi số để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên không phải DN nào cũng dễ dàng thực hiện chuyển đổi số.
TS. Nguyễn Trọng Đường, Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các DN đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong và ngoài nước trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số DN được xác định giúp khai thác tiềm năng kinh tế số nền tảng và kinh tế ngành. Các DNNVV có thể tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các hạn chế bằng việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc như thuê dịch vụ và quy trình chuẩn.
Với các DN lớn cần chiến lược chuyển đổi số gồm 6 trụ cột chính bao gồm: trải nghiệm số cho khách hàng; Chiến lược số; Hạ tầng và công nghệ số; Vận hành số; Văn hóa số; Dữ liệu và tài sản thông tin.
Chính vì vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chuyển đổi số phải đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và tinh gọn hơn và giảm chi phí để tăng lợi nhuận thông qua cách thức gồm thuê dịch vụ nền tảng số, sử dụng công nghệ đám mây và tự động hoá... DN tận dụng được chuyển đổi số sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho DN, TS. Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp
Hiện nay Việt Nam có khoảng trên 850 nghìn DN nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô vốn và lao động nhỏ bé. Quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nghệ cũng như các vướng về cơ chế chính sách đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù khó khăn nhưng nhiều DN đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số để tìm ra nhiều cơ hội mới. Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thuý cho biết, DN đang chịu nhiều áp lực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu làm đứt gãy chuỗi cung ứng đến áp lực từ việc cạnh tranh chiến lược và lạm phát, lãi xuất...
Để phát triển bền vững, vượt qua cơn bão suy thoái và đóng góp cho nền kinh tế số, DN cần đổi mới phương thức quản trị thông qua việc ứng dụng nền tảng số.
Ở góc độ của đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp, dựa theo kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho 250.000 DN ở mọi lĩnh vực, quy mô, Tổng Giám đốc MISA Đinh Thị Thuý cho rằng, để giải quyết ba bài toán đầu tiên cho doanh nghiệp, MISA đã phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Đây là giải pháp được phát triển theo mô hình hội tụ dữ liệu giúp quản trị mọi hoạt động cốt lõi của DN bao gồm tài chính – kế toán, marketing – bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam |
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu bắt buộc, nhất là các DN tham gia chuỗi cung ứng. Khi doanh nghiệp đầu chuỗi chuyển đổi số thành công, ứng dụng công nghệ hiện đại, bắt buộc các DN khác tham gia chuỗi cũng phải đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng và phát triển. Khác với việc chuyển đổi số trong một số ngành nghề, lĩnh vực, chuyển đổi số tại các DN sản xuất, doanh nghiệp điện tử phức tạp hơn.
Hiện nay, tại không ít DN điện tử, có nhiều máy móc sản xuất đã đưa vào hoạt động từ 10 - 20 năm trước đây. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất cần có những giải pháp để kết nối, đồng bộ hoá hệ thống thiết bị, máy móc đồng bộ. Chuyển đổi số với DN điện tử không chỉ để thích ứng và phát triển theo chuỗi mà còn tạo cơ hội để DN điện tử tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên BCH VCCI, Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel khẳng định, thời gian qua Đảng và Chính phủ cũng đã tạo mọi điều kiện cho chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp. Phần còn lại tùy thuộc vào sự nỗ lực của các hiệp hội, cộng đồng và của chính tự thân DN. Trong quá trình chuyển đổi số, DN đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất kinh doanh đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới.
Đặc biệt muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam trong nền kinh tế số, Phó Chủ tịch HBA cho rằng, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho DN về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng.