Doanh nghiệp Nhà nước cần niềm tin, cần tự chủ
Công cụ tạo sức mạnh mềm
Tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững”, lãnh đạo các DNNN và các nhà khoa học cùng các chuyên gia đã một lần nữa khẳng định, thời gian qua, các DNNN đã đảm trách vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế và góp phần quan trọng để điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hội thảo tổ chức tại Tạp chí Cộng sản ngày 12/10/2020.
Cụ thể như trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, 4 NHTM Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm hơn 50% toàn hệ thống ngân hàng. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT của Vietcombank cho biết, 4 NHTM Nhà nước đã đóng vai trò đảm bảo cung ứng kịp thời các nguồn vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ các DN mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong thực hiện các chỉ đạo của NHNN về lãi suất, tỷ giá nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng. 4 NHTM Nhà nước góp phần rất đắc lực thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
DNNN đã đóng vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Trong các thời điểm gặp khó khăn, thì DNNN luôn là công cụ mạnh để điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế và xã hội trong nước.
Đơn cử như câu chuyện của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1). Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, trong những ngày Covid-19 vừa bùng phát thị trường Hà Nội và một số nơi khác đã có tình trạng người dân ồ ạt mua lương thực thực phẩm dự trữ khiến nhiều cửa hàng cháy hàng. Nhưng Vinafood 1 đã nhanh chóng đưa hàng hóa tới 700 điểm bán hàng và siêu thị ở Hà Nội và đưa tới một số tỉnh lân cận, cùng với đó, mở cửa tất cả các điểm bán hàng bình ổn giá đến 23h. DN này cũng luôn duy trì lượng dự trữ tới 300.000 tấn để chủ động đưa ra thị trường khi cần bình ổn giá, khi cần đảm bảo nguồn cung.
Tuy nhiên, hiện các DNNN vẫn chưa là một lực lượng mạnh và hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, vẫn nguồn lực nắm giữ, vẫn còn nhiều DN kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh và quản trị cũng còn hạn chế… Tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của DNNN, đồng chí Y Thanh Hà Nie Kđăm – Bí thư Đảng ủy khối DN Trung ương cho biết, thực tiễn trên thế giới cho thấy, DNNN luôn là bộ phận quan trọng không thể thiếu của các nền kinh tế. Chính phủ các nước đã phát huy vai trò của DNNN, không chỉ là công cụ để điều tiết nền kinh tế trong nước, khắc phục các bất cập của cơ chế kinh tế thị trường, mà còn để gia tăng ảnh hưởng quốc tế, tạo sức mạnh mềm. Điển hình cho xu thế này là Trung Quốc với hàng loạt các tập đoàn DNNN hoạt động đa quốc gia, cạnh tranh toàn cầu.
Khẳng định tầm quan trọng của DNNN
Để thực hiện được sứ mệnh của mình, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực được đầu tư, lãnh đạo các DNNN đề nghị cần có cơ chế chính sách phù hợp và cần được tự chủ hơn nữa, đi kèm với sự giám sát chặt chẽ đánh giá công bằng. Chủ tịch HĐTV Vinafood 1 phát biểu: “DNNN hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường, phải đảm đương sứ mệnh kép, đó là vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế. DNNN vẫn chịu áp lực về hiệu quả đồng vốn, doanh thu, lợi nhuận và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Vì vậy cần có sự đánh giá công bằng về hiệu quả của doanh nghiệp trên cả 2 nhiệm vụ”.
Áp lực lớn, nhiệm vụ kép, kỳ vọng đặt vào cao và đảm đương trọng trách không hề nhỏ nhưng DNNN đang đứng trước sự thiếu tin tưởng và còn khó chủ động. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cảm thấy chính chủ sở hữu là Nhà nước đang thiếu niềm tin ở người đại diện phần vốn của mình ở doanh nghiệp bởi cơ chế chính sách hiện nay đang rất bó. Vì vậy nên chăng cần có những thay đổi vì mục tiêu mang lại hiệu quả tốt hơn cho DN và để cho DN được chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo của Vinafood 1, của Vinatex và Vietcombank cùng cho rằng, để DNNN phát triển tốt hơn, bền vững hơn, đạt hiệu quả cao hơn và cạnh tranh tốt hơn thì cần phát huy sự tự chủ của DN và sức sáng tạo và năng động của đội ngũ lãnh đạo cũng như người lao động. Nhiệm vụ kinh doanh, nhiệm vụ chính trị cần được đánh giá riêng. “Trong khi với doanh nghiệp tư nhân hiệu quả được đánh giá chung trên cơ sở tất cả các dự án, trên tổng hòa các khoản đầu tư và đánh giá theo một quá trình… Với cách nghĩ DNNN thì chỉ được “thắng” không được “thua”, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho rằng đang phần nào tác động tiêu cực đến sự sáng tạo khai phá.
Ông cũng đề nghị “Cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung”. Đề nghị này được nhiều ý kiến đồng tình.
“Khẳng định DNNN là một lực lượng quan trọng của kinh tế Nhà nước”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cũng thẳng thắn nói rằng DNNN chưa phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế Nhà nước. Một số DNNN yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, có tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước, gây bức xúc cho xã hội...
Tuy nhiên “Không vì sự thiếu hiệu quả của các DNNN mà phủ nhận tầm quan trọng của khu vực này. Điều quan trọng là cần xác định đúng vai trò, chức năng của khu vực DNNN trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng… để có những chủ trương, chính sách phù hợp”, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu. Ông cũng đề nghị DNNN cần xây dựng được mô hình quản trị hiện đại, theo những chuẩn mực chung của thế giới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu. DNNN hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường, đảm đương sứ mệnh kép: Vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế. Đồng thời, các DNNN cần khai thác năng lực cốt lõi, tập trung phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế thay vì đầu tư, kinh doanh dàn trải.