Doanh nghiệp Nhà nước phải có đủ quyền theo nguyên tắc thị trường
Quản trị tốt mới có doanh nghiệp hiệu quả, nhưng một trong những điều kiện tiên quyết để quản trị tốt là doanh nghiệp Nhà nước phải có đầy đủ quyền tự chủ của một doanh nghiệp, các chuyên gia tham dự hội thảo nhấn mạnh.
Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Nhà nước chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường, theo kết luận rút ra từ báo cáo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, được công bố tại hội thảo sáng nay.
Theo báo cáo này, thể chế và cơ chế quản lý hiện nay chưa tạo cho doanh nghiệp Nhà nước có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý Nhà nước còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước khiến họ phải chịu ràng buộc bởi một hệ thống các quy định về tài chính, giám sát, quản lý cán bộ, lao động và tiền lương…
Doanh nghiệp Nhà nước không được toàn quyền quyết định về tài sản của mình mà phải tuân thủ các quy định đặc thù như: hạn chế phạm vi đầu tư vốn thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, đầu tư bổ sung vốn, đầu tư mua lại doanh nghiệp khác; phải bảo đảm hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu; không được góp vốn hoặc đầu tư ngoài ngành; không được tự chủ quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài; tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc bảo toàn vốn trong chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; xin ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định của nhiều cơ quan Nhà nước trong đầu tư các dự án quy mô lớn, kể cả dự án doanh nghiệp tự vay - tự trả...
“Với doanh nghiệp Nhà nước, đang có sự “lầm lẫn” quyền của chủ sở hữu với quyền của doanh nghiệp. Chủ sở hữu sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp, còn tài sản của doanh nghiệp là thuộc sở hữu của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phát biểu.
Trong khi chủ sở hữu có quyền tham gia vào các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp như chiến lược phát triển, định hướng phát triển và giao mục tiêu nhiệm vụ, chỉ tiêu cho doanh nghiệp, thì quyền sử dụng tài sản như thế nào, bán hay cho thuê là thuộc về doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
“Ở Việt Nam, vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường”, báo cáo của CIEM đi đến kết luận.
Liên quan đến tiền lương và bổ nhiệm người quản lý, doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa thực sự được chủ động, được quyết định nên khó có thể thuê được người tài, người giỏi dù pháp luật cho họ cơ chế thuê. Tuy pháp luật quy định doanh nghiệp được thỏa thuận tiền lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý nhưng vẫn khống chế mức lương tối đa.
Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu Cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM cho biết, ở doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý công ty phải được quy hoạch cho chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ; hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương với chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác. Để được đưa vào quy hoạch, họ phải đáp ứng nhiều điều kiện hành chính Nhà nước, không thực sự phù hợp với các đối tượng là chuyên gia bên ngoài hệ thống Nhà nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa được chủ động quyết định đầu tư mua bán tài sản và đầu tư các dự án lớn mà phải qua một chu trình phức tạp, mất nhiều thời gian trình chủ sở hữu là cơ quan Nhà nước phê duyệt. Trong khi đó, hiệu quả thực thi trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu còn hạn chế.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từng bộc bạch, doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập HÐQT họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết làm cơ sở cho cơ quan điều hành triển khai thực hiện. Thời gian chờ chủ sở hữu trả lời thường không cố định, có thể là một hoặc hai tháng.
Về vấn đề này, báo cáo của CIEM và các chuyên gia đề nghị phải để doanh nghiệp Nhà nước có được đủ quyền của một doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, và tiến trình này đặt ra rất nhiều việc cần làm. Trong đó, CIEM khuyến nghị cần cải thiện quản trị doanh nghiệp Nhà nước, mà cốt lõi là phân bổ các quyền và trách nhiệm giữa 3 chủ thể chính: cổ đông, ban quản trị và bộ máy điều hành; khớp nối các quy định, quy trình để đưa ra quyết định cho các vấn đề quản trị.
Về phía Nhà nước, cần xây dựng và ban hành "chính sách sở hữu Nhà nước" để giúp doanh nghiệp, thị trường và người dân có thể hiểu rõ các mục tiêu của Nhà nước với tư cách một chủ sở hữu. Để đảm bảo sự nhất quán về nhận thức và hành động, các chuyên gia CIEM khuyến nghị tập hợp các nội dung của chính sách sở hữu tại một văn bản để trở thành một tài liệu áp dụng chung.