Doanh nghiệp thép điêu đứng với mức thuế “khủng”
Hiện nay, sản lượng thép của Việt Nam đang đứng thứ 17 trên thế giới nên chịu nhiều tác động của sự biến động giá nguyên liệu sản xuất, chính sách bảo hộ ngành thép trên toàn cầu và dư thừa nguồn cung đối với một số sản phẩm thép. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu trầm lắng, thị trường thép trong nước từ đầu năm đến nay cũng có mức tăng trưởng sản xuất và bán hàng không đáng kể lần lượt là 4,1% và 6,3%; xuất khẩu thép đạt trên 4.231.000 tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo Kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan. Với kết luận này, những lô hàng thép CRS và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456%. Ngược lại, trong trường hợp DN chứng minh được nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc là 29,4% với thép CORE, 24,2% với thép CRS và Đài Loan là 10,34% với thép CRS.
Các DN sản xuất, xuất khẩu lớn cần phải chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh |
Như vậy, nếu các DN này chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ ngoài các nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế hay hưởng mức thuế xuất 0%). Ngay sau khi DOC công bố về biện pháp chống lẩn tránh thuế, nhiều DN cho rằng quyết định về việc áp mức thuế “khủng” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu thép của DN Việt Nam, cũng như tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong cán cân thương mại thời gian tới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ khi Mỹ bắt đầu ra Quyết định khởi xướng điều tra (tháng 8/2018), VSA đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng làm việc với nhiều luật sư tại Mỹ và Việt Nam, cùng các DN xuất khẩu để làm rõ thông tin, đề nghị ngành sản xuất trong nước phối hợp đầy đủ với cơ quan điều tra của Mỹ. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại trao đổi trực tiếp, đề nghị DOC xem xét tạo điều kiện cho các DN tham gia cung cấp thông tin, mở rộng diện cho phép DN tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Mỹ để ngăn chặn các hành vi gian lận, lẩn tránh bất hợp pháp.
Ông Trịnh Khôi Nguyên – Phó Chủ tịch VSA cho biết, kể từ năm 2004 đến nay, tổng số các vụ nước ngoài kiện sản phẩm thép Việt Nam lên tới 52 vụ việc, bao gồm 30 vụ chống bán phá giá, 3 vụ chống trợ cấp, 3 vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp, 9 vụ tự vệ toàn cầu, 6 vụ chống lẩn tránh thuế và 1 vụ sử dụng biện pháp theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng. Điều đáng nói, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) mà các quốc gia nhập khẩu áp dụng đối với sản phẩm thép chiếm 39,1% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường sử dụng các công cụ PVTM nhiều nhất. Trong đó, đã có 13 vụ việc được chấm dứt điều tra, 33 vụ việc có kết luận cuối cùng áp thuế (trong đó có 3 vụ việc đã hết hạn áp thuế), 3 vụ có kết luận cuối cùng không áp thuế và 12 vụ đang trong quá trình điều tra.
Bàn về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam nhận định, thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản suất. Trong những năm 2014-2015, giá thép giảm mạnh, xuất khẩu thép Trung Quốc đạt mức kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc dần đóng cửa các cơ sở nhỏ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các năm 2017 và 2018. Sang năm 2019, Hiệp hội Thép thế giới đã dự báo triển vọng tăng trưởng thép toàn cầu 2019 dự kiến đạt 1,820 tỷ tấn tăng 0,8% so với năm 2018. Đáng chú ý là lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc 10 tháng 2019 đã đạt hơn 830 triệu tấn, tăng 7,4% so với năm trước....
Trong khi đó, hiện nay nhiều DN Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản.... có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh mức thuế cao. Điều này cũng đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra phân tích và cảnh báo nhiều lần trước đó. Với việc Mỹ áp thuế khủng 456% lên thép Việt Nam, thì ngành sản xuất thép trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất, xuất khẩu lớn cần phải chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Mỹ điều tra chống lẩn tránh, cụ thể là đã chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng) từ nhiều nguồn khác cũng như mua thép cán nóng sản xuất trong nước, xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận. Điều này sẽ giúp các DN của Việt Nam giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
“Các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí; chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, hoặc mua nguyên liệu từ các quốc gia khác để sản xuất các sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ, nhằm giảm thiểu các rủi ro. Đồng thời, DN phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với bạn hàng đối tác nước ngoài,…” – các chuyên gia khuyến cáo.