Doanh nghiệp thép lên “dây cót”
DN thép Việt bán “của” bù lỗ Doanh nghiệp thép điêu đứng với mức thuế “khủng” |
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thép là CTCP Tập đoàn Hoa Sen đánh giá, 2024 tiếp tục là năm khó lường với nền kinh tế trong nước và thế giới. Riêng với ngành thép, dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, chiều hướng xấu nhiều hơn tốt, giá có khả năng còn xuống thấp hơn năm trước. Do vậy, với kế hoạch năm 2024 (niên độ từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), Hoa Sen xây dựng hai kịch bản kinh doanh.
Dự báo kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ khởi sắc hơn |
Ở kịch bản thứ nhất, sản lượng tiêu thụ đạt 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với niên độ trước; doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần. Kịch bản 2 thuận lợi hơn, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với niên độ trước, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần.
Trong khi đó, doanh nghiệp hàng đầu ngành thép là CTCP Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã tổ chức ĐHĐCĐ năm 2024 và thông qua kế hoạch kinh doanh với 140.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Theo Tập đoàn Hòa Phát, kết quả thực hiện trong quý I/2024 đạt 2.869 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 28,7% kế hoạch năm, trong đó lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC cũng dự trình kế hoạch doanh thu 13.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng cho năm 2024, trong khi năm ngoái lỗ hơn 925 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, SMC đang tập trung vào việc tinh gọn lại doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và tăng cường quản trị kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ.
Trong văn bản mới đây, SMC dự kiến sẽ có lãi sau thuế trong quý I/2024, chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và tài sản. Sang tới quý II/2024, công ty sẽ tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế thực tế của vĩ mô, ngành thép và doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác trong ngành thép cũng đã công bố mục tiêu kinh doanh, như CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) đề ra kế hoạch doanh thu năm 2024 là 12,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 15 tỷ đồng trong khi năm 2023 lỗ hơn 173 tỷ đồng; CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 là 1 tỷ đồng…
Nối tiếp đà tăng từ cuối tháng 11/2023, trong những tháng đầu năm 2024, giá thép xây dựng trong nước đã có nhiều đợt điều chỉnh tăng giá. Trước sự gia tăng của giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi, một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong báo cáo mới đây của MBS Research, giá thép xây dựng nội địa năm 2024 dự báo sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với năm ngoái) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa. Trong khi đó, giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% so với năm ngoái, trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm, cũng tạo lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thép. Giá bán kỳ vọng hồi phục và giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.
Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại châu Âu và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% so với năm ngoái cũng là một điểm cộng cải thiện biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép năm 2024.
Trong một báo cáo nghiên cứu, nhóm phân tích của SSI Research kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi hơn 6% so với cùng kỳ trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.
Nhóm phân tích này cho rằng, lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của HPG, HS và biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023.
“Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động, vì vậy cổ phiếu thép thường phù hợp với nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao”, nhóm phân tích của SSI Research nhận định.