Doanh nghiệp trân trọng sự đồng hành, trách nhiệm cao của hệ thống ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị |
Những “liều thuốc” vừa bổ vừa “chữa bệnh” từ ngân hàng
Phát biểu tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ngày 4/10, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh trên, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp. Qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.
Với nhiều nỗ lực, Phó Thống đốc cho biết, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, trong đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/9/2023 dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022.
Ông Hoàng Ngọc Phương - Phó tổng giám đốc VietinBank thông tin, đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của ngân hàng này đạt 3,7 nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, ngân hàng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ lãi suất, các chương trình cho vay cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. VietinBank cũng tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; dành những nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. Năm 2023, ngân hàng đã thực hiện 3 đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và triển khai hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất cạnh tranh, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 2 - 3%/năm.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Biên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn chia sẻ, bản thân doanh nghiệp rất trân trọng sự đồng hành, trách nhiệm cao của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua. Sự đồng hành đó thể hiện từ NHNN đã có những động thái kịp thời như 4 lần giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn… đó là cơ sở để các NHTM thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Đây là những “liều thuốc” vừa bổ vừa “chữa bệnh” giúp doanh nghiệp đứng vững qua khó khăn. Nếu không có sự đồng hành của ngân hàng, thì doanh nghiệp không trụ vững nổi. Ngân hàng là bà đỡ quan trọng của doanh nghiệp”, ông Biên bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng giám đốc Công ty thương mại Thái Hưng cũng chia sẻ, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Nguyên nhận được sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của ngành Ngân hàng. Bà Vinh cho biết, doanh nghiệp đánh giá cao điều hành của NHNN, đặc biệt là chính sách lãi suất. Mặt bằng lãi suất như hiện tại là mong ước nhiều năm nay của doanh nghiệp; Lãi suất của một số ngân hàng trong nước thậm chí còn cạnh tranh được với lãi suất cho vay với các tổ chức nước ngoài.
Toàn cảnh hội nghị |
Tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang gặp rất nhiều khó khăn, bà Nguyễn Thị Vinh đề nghị, các ngân hàng tiếp tục cân đối nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong việc dự báo chính sách, đặc biệt chính sách tỷ giá. Bên cạnh đó là hỗ trợ tư vấn trong chuyển đổi công nghệ, bởi hệ thống ngân hàng đã và đang đi đầu về chuyển đổi số, trong khi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn những hạn chế nhất định. Ông Bùi Sỹ Dân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên lại mong muốn, ngân hàng kéo dài thời gian đáo hạn khoản vay thêm 1 - 2 tháng, vì trong thực tế nhiều doanh nghiệp đang có lượng hàng tồn kho rất lớn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn ngành Ngân hàng đã làm được trong thời gian qua, nhất là những động thái tích cực của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người dân. Song, thực tế tăng trưởng tín dụng của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn thấp hơn so với cả nước. Do vậy, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến đề nghị, các ngân hàng trên địa bàn sẽ tập trung nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng; đẩy mạnh các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân…
Để tiếp tục đồng hành, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đề nghị, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc; thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; Đồng thời, tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi… Phó Thống đốc cũng mong muốn chính quyền tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, theo Phó Thống đốc, cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Ngoài ra, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; tiết giảm chi phí phát sinh trong hoạt động; mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra/nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu lượng hàng tồn kho…