Doanh nghiệp và bài toán nâng cao tính tự chủ
Ngân hàng cùng doanh nghiệp vượt khó Để doanh nghiệp không phải “đắn đo” với phí chuyển tiền quốc tế trực tuyến |
Phát triển nhưng chưa vững chắc
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2023, cả nước có 89,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% về số lượng, song lại giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.117,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 28,9 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2023 là 1.952,2 nghìn tỷ đồng, giảm 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, song cũng có tới 16,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đáng nói, nhiều yếu tố đáng quan ngại về hoạt động của doanh nghiệp đã xuất hiện từ giai đoạn 2016-2020. TS.Nguyễn Đình Hoan, Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, sự tăng lên về số lượng doanh nghiệp về cơ bản được tạo ra bởi khu vực ngoài Nhà nước, phù hợp với mục tiêu, chính sách phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang có xu hướng “li ti hóa” khi doanh nghiệp tỷ lệ siêu nhỏ từ 63,48% bình quân giai đoạn 2011-2015, đã tăng lên 69,94% vào năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cũng có xu hướng giảm dần, từ 55,7% năm 2011 chỉ còn 44,41% vào năm 2020. Chỉ số vòng quay vốn của doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh từ 0,7 lần bình quân giai 2011-2015, xuống còn 0,64 lần bình quân giai đoạn 2016-2020. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp Việt liên tiếp sụt giảm kể từ sau năm 2018, đến năm 2020 chỉ là 6,28%, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, thấp hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (đạt 8,2%).
“Đây là thực tế đáng báo động khi giai đoạn này chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nguồn vốn của doanh nghiệp, nhưng hiệu quả sử dụng vốn lại giảm đi, dẫn đến tình trạng tăng trưởng nóng, không bền vững và lãng phí nguồn vốn đầu tư”, TS. Hoan phân tích.
Bên cạnh đó là những thách thức từ vấn đề nội tại của nền kinh tế. Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức và nhanh nhất kể từ năm 1997, khu vực công nghiệp và xây dựng luôn được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Nhưng chính các lĩnh vực này lại giảm tốc mạnh mẽ từ quý III/2022, đặc biệt lại rơi vào một số ngành công nghiệp và vùng công nghiệp trọng điểm. Sang đến năm 2023, 7 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 8,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam dù tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6, song vẫn nằm trong khu vực suy giảm và giảm 2,5 điểm so với cùng kỳ năm 2022.
TS. Trần Thị Mai Thành, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kinh tế đối ngoại có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giai đoạn trước và trong giai đoạn COVID-19, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt là sự đóng góp, tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là lực lượng chủ yếu đóng góp đến hơn 70% vào kết quả xuất khẩu. Mức độ hưởng lợi khi tham gia FTA của Việt Nam không cao như kỳ vọng do tỷ trọng đầu vào nước ngoài trong hàng xuất khẩu lớn, dẫn tới nguy cơ hàng hóa khó đáp ứng được các yêu cầu về ROO.
Cần những đột phá từ tư duy đến hành động
Doanh nghiệp được xem là hạt nhân của nền kinh tế. Muốn nền kinh tế tăng trưởng bền vững, phải có cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Muốn vậy phải có sự hỗ trợ và định hướng phát triển từ phía Nhà nước. TS. Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI chỉ ra: “Chuyển đổi tư duy có hệ thống phải từ người làm chính sách để hướng tới một xã hội phát triển bền vững hơn, vận hành có trách nhiệm hơn”.
Ở góc độ doanh nghiệp, trong bối cảnh mới đầy thách thức như biến đổi khí hậu, các vấn đề xã hội, ông Vinh khuyến nghị, doanh nghiệp cần phải hoạt động “vị môi trường”, phải tạo tác động tốt đến môi trường và xã hội. Đây là cách để định hình lại vị thế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, là cần chuyển đổi chuỗi cung ứng với việc xanh hóa tạo ra sức cạnh tranh mới. “Cần định nghĩa rõ thế nào là một dự án xanh, doanh nghiệp xanh, từ đó có thể thu hút được tài chính xanh để chuyển đổi xanh”, ông đề xuất và chỉ ra mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ chắp cánh cho doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV lại nhấn mạnh vào việc nâng cao liên kết, gắn kết các khối doanh nghiệp. Trong đó, ông đề nghị cần rà soát lại chính sách và khâu thực thi trong thời gian qua để xem vì sao hiệu quả liên kết chưa như kỳ vọng, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp; Xem xét việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, công nghệ, vốn; Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong gắn kết doanh nghiệp; Phát huy vai trò “bà mối” kết nối là các hiệp hội, đại sứ quán tại các nước.
Ở một khía cạnh khác, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra mật độ 2,2 doanh nghiệp/1000 dân ở độ tuổi trên 18 tuổi của Việt Nam là quá thấp. Muốn trở thành một nền kinh tế phát triển, ông cho biết phải có tối thiểu từ 20 doanh nghiệp/1000 dân. “Vì vậy cần có chính sách để chuyển đổi khu vực kinh tế phi chính thức, sang chính thức”, ông khuyến nghị.
Ở góc nhìn rộng, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, để đảm bảo sự tự chủ của nền kinh tế, cải thiện năng lực nhằm chống đỡ các cú sốc và rủi ro kinh tế toàn cầu, bên cạnh các chính sách phát huy thế mạnh về kinh tế đối ngoại và phát triển nền sản xuất hướng xuất khẩu, Việt Nam cũng cần phải rất chú trọng khôi phục thị trường trong nước, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh với việc vừa triển khai những chính sách hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế nói chung, vừa cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do. Cùng với đó là hoàn thiện hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tại Việt Nam...