Doanh nghiệp Việt đang ở phần ngọn trong chuỗi giá trị toàn cầu
Nghiên cứu về "Năng lực hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam: Hiện trạng, vị trí trong chuỗi giá trị và hàm ý cho hợp tác đa phương" được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đã chỉ ra, doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu, song giá trị gia tăng còn hạn chế.
Theo đó, 53,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng; 64,7% chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ có 15,3% có chiến lược dài hạn. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS. Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung giải quyết các vấn đề như chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao sự hiểu biết… còn việc làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, nhân lực lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến “phần ngọn” trong khi tham gia chuỗi giá trị, mà chưa thực sự đầu tư cho việc cải thiện nâng cao chuỗi cung ứng năng lực.
Về việc đáp ứng yêu cầu của đối tác khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp Việt mới chỉ ở mức trung bình, bên cạnh đáp ứng tốt các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, quy định về nhân quyền, lao động việc làm hay an toàn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt thường gặp khó với các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Cùng với đó, khó khăn lớn mà các doanh nghiệp gặp phải trong nâng cao năng lực để tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiếu kinh phí để triển khai, thiếu sự kết nối trong chuỗi và các biện pháp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng thường thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các chủ thể, thiếu quy hoạch tổng thể, định hướng vĩ mô, thiếu nhân lực nội bộ để triển khai.
Theo ông Choi Kyung Soo - Phó tổng giám đốc Phụ trách Trung tâm mua hàng của Samsung, Việt Nam có một số lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài; nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Đây chính là cơ hội để mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong trung - dài hạn.
TS. Lương Minh Huân kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự phối kết hợp đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các cơ quan Nhà nước cần thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các giải pháp về nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn và chuỗi giá trị toàn cầu. Khi ban hành chính sách cần có những đánh giá tác động, từ đó xác định và điều chỉnh các nội dung chính sách cũng như đề xuất các chương trình cải cách trong tương lai.