Doanh nghiệp Việt ì ạch ứng dụng khoa học công nghệ
“Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam mới chỉ là mắt xích trung gian, là nơi gia công để xuất khẩu. Tỷ suất sinh lợi đạt được chỉ ở mức khoảng 5-10% vì phần lớn do giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là gia công và lắp ráp. Trong khi các công đoạn có thể mang giá trị cao lại phần lớn ở nước ngoài như khâu thượng nguồn là thiết kế, nghiên cứu phát triển, quảng cáo, phân phối… và khâu hạ nguồn là việc cung cấp nguyên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị và các dịch vụ thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ” - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kém lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quy mô vốn hạn chế dẫn đến khả năng mở rộng sản xuất và mức độ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo kém hơn; việc chuyển giao công nghệ và kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài còn giới hạn. Ngoài ra, không gian các ngành công nghiệp chưa phát huy hết hiệu quả, khả năng khai thác lợi thế cạnh tranh của các vùng, khu công nghiệp còn thấp.
Ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài |
Trong bối cảnh đó, theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, để bắt kịp với xu thế của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số là tất yếu đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều định hướng, chiến lược để thực hiện và đã được cụ thể hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi còn nhiều rào cản, thách thức cần giải quyết như vấn đề hành lang pháp lý và môi trường thể chế chính sách vẫn chưa chặt chẽ, đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số hiện nay. Một minh chứng điển hình là sự “lúng túng” của các cơ quan quản lý về thu thuế, quản lý hình thức kinh doanh qua mạng, kinh doanh xuyên biên giới, và các mô hình đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá yếu so với khu vực về đổi mới, sáng tạo; mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông vẫn còn thiếu hụt lớn về nguồn lao động có kỹ năng, riêng lĩnh vực thương mại điện tử chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đáp ứng đủ nguồn nhân lực này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó về đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn có thể dành đến 50% tổng vốn đầu tư cho thương mại điện tử vào việc xây dựng, vận hành website hoặc ứng dụng di động, thì số liệu này ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức dưới 20%.
Đặc biệt, tư duy ngại thay đổi được coi là một trong những rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số của doanh nghiệp. Vẫn tồn tại một số doanh nghiệp xem chuyển đổi số là công cụ để “marketing” thay vì hướng đến mục tiêu thay đổi chính mình. Trong bối cảnh đó, chỉ những doanh nghiệp dám thay đổi, dám thử nghiệm những ý tưởng mới và chấp nhận từ bỏ các “mỏ neo” truyền thống mới có thể thích ứng với CMCN 4.0.
Báo cáo của Cisco về “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” cho thấy, có hơn 70% doanh nghiệp (trong đó có 72% là vừa và nhỏ) tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp còn thiếu tầm nhìn. Trong đó, 17% doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, 16,7% thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số, 15,7% thiếu tư duy kỹ thuật số. |